Quan điểm của UBND TP.HCM, công tác tái định cư phải được xem xét một cách toàn diện, đảm bảo không gian sống phù hợp và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, tái định cư.
TP.HCM có khoảng 13.851 căn nhà trên và ven kênh rạch nằm trong diện phải di dời để chỉnh trang đô thị - NGỌC DƯƠNG
Ngày 6.5, UBND TP.HCM có kế hoạch phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư các dự án chỉnh trang đô thị, công ích ở TP.HCM giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo đến năm 2025.
Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2019-2020, TP triển khai 301 dự án trọng điểm, với tổng số hơn 19.100 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 187 dự án hạ tầng kỹ thuật, 74 dự án hạ tầng, công trình công cộng và 40 dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch.
Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM triển khai 226 dự án trọng điểm với tổng số 24.900 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 140 dự án hạ tầng kỹ thuật, 54 dự án hạ tầng, công trình công cộng và 32 dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Dự báo nhu cầu tái định cư cả hai giai đoạn này là 44.000 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng.
Quan điểm của UBND TP.HCM, công tác tái định cư phải được xem xét một cách toàn diện, không chỉ giải quyết nhà ở mà cần đảm bảo không gian sống phù hợp.
Tái định cư phải gắn liền với thực hiện chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, tái định cư.
Do đó nhiệm vụ sắp tới của TP.HCM là tập trung phát triển nhà ở xã hội với quy mô 20.000 căn, để phục vụ cho đối tượng thu nhập thấp và các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng trong các dự án chỉnh trang đô thị, công ích ở TP.HCM.
Ngoài ra, TP.HCM rà soát, bố trí quỹ đất và sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới có nghĩa vụ thực hiện điều tiết 20% quỹ đất phục vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền, để phát triển nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.