TP.HCM: “Nóng” các vấn đề giao thông

Thứ hai, 31/07/2017, 00:00 GMT+7
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tình hình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố 7 tháng ước thực hiện trên 153.500 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước).

Đến nay, tuyến đường sắt metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên đạt khối lượng thực hiện trên 67%. Dự án có chiều dài 17,2km, bắc qua 5 cầu và 11 nhà ga. Dự kiến tháng 8/2017 sẽ lắp đặt đường ray.

Tuy nhiên, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: Các công trình giao thông đô thị đang có vấn đề về nguồn vốn, chính vì vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cần làm việc với Bộ KHĐT để có nguồn vốn trung và dài hạn giúp thành phố thanh toán cho các nhà thầu.

“Hiện tại số tiền Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phải thanh toán gần 500 tỷ đồng, thành phố cần ứng tiền từ ngân sách thành phố để thanh toán. Chúng ta cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết những tồn đọng, khó khăn trên công trường, trong đó có tâm lý của các nhà thầu. Mặc dù chúng tôi đã quyết liệt theo sát Bộ KHĐT, nhưng đến nay Bộ chưa có thông báo đến Thủ tướng về việc phân bổ vốn trung hạn dành cho năm 2017 như thế nào mặc dù trước đó, Thủ tướng đã đồng ý và yêu cầu Bộ báo cáo Thủ tướng”, ông Quang đề nghị.

Đồng ý với kiến nghị của ông Quang, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao cho Sở KHĐT khẩn trương tư vấn để UNND TP kiến nghị Bộ KHĐT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý ứng vốn ODA cho BQL Đường sắt đô thị TP.HCM.

tp-hcm-nong-cac-van-de-giao-thong
Cầu vượt thép tại nút giao đường Trường Sơn - Tân Sơn Nhất Bình Lợi vòng đai ngoài. (Ảnh: Bùi Hiền)

Đối với kế hoạch thông xe các cầu vượt đang được đầu tư nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, đai diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn gồm 3 nhánh: Nhánh thứ nhất: Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, nhánh thứ 2: Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, và nhánh 3: Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, dự án có tổng vốn đầu tư 504 tỷ đồng đã được thông xe nhánh thứ nhất vừa qua là tuyến Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, các nhánh còn lại sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

Cũng liên quan tới vấn đề giao thông, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: Dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay, thành phố đã kiểm soát được 37 điểm ùn tắc, tuy nhiên chỉ 25 điểm hiệu quả cao, còn lại vẫn cần có giải pháp, đặc biệt khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

“Mặc dù đầu tháng 7, thành phố đã đưa cầu vượt vào khai thác nên tình hình ùn tắc giao thông đã giảm, nhưng khẳng định những công trình này không thể giải quyết triệt để được vấn đề ùn tắc giao thông tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bởi theo quy hoạch được duyệt đến năm 2020 là 25 triệu lượt khách, 1 triệu tấn hàng hóa, vậy nên 22 công trình hạ tầng giao thông phục vụ cho cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã được quy hoạch cũng phải thực hiện đồng bộ thì mới đáp ứng được nhu cầu của sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Cường chia sẻ.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết đến nay một số tuyến như đường Phạm Văn Đồng đã xong, còn những truyến quan trọng khác như tuyến tàu điện ngầm số 2 theo dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành, nhưng hiện nay mới đang giải phóng mặt bằng.

Theo ông Cường, với tốc độ tăng về lưu lượng hành khách và hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất không tỷ lệ thuận với hạ tầng giao thông thì việc giải quyết ùn tắc tại đây là khó thực hiện.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ các công trình và tìm cách để giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, phía trong sân bay cũng cần sắp xếp lại. Trong lúc chờ thực hiện các giải pháp, chúng tôi đã có kế hoạch điều phối chặt tại các “điểm nóng” ùn tắc giao thông, trong đó có khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Còn các công trình sẽ đảm bảo tiến độ, từ nay đến cuối năm sẽ có 8 công trình hoàn thành và được đưa vào khai thác để tháo gỡ các điểm nút giao thông”, ông Cường đề nghị thêm.

Theo Báo Xây Dựng