UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Trung ương giải quyết các vướng mắc về vốn đầu tư và thuế nhập khẩu hàng hóa của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Các tuyến metro tại TP.HCM đang khó khăn về nguồn vốn
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị, ngày 19.9, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sẽ chủ trì giao ban định kỳ vào giữa tuần thứ tư hàng tháng với Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các sở ngành, đơn vị liên quan.
Theo đó, về tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) giai đoạn 1, TP.HCM giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị cần triển khai các bước tiếp theo ngay khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án cũng như triển khai các công việc đã thống nhất với Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) liên quan khoản vay bổ sung 200 triệu euro cho dự án giai đoạn 1 và tiếp nhận khoản hỗ trợ kỹ thuật đế nghiên cứu dự án đoạn 2 đầu tuyến.
Theo UBND TP.HCM, việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 2 đến năm 2020 là cơ sở gia hạn các hiệp định vay của các khoản vay hiện tại để có thể tổ chức triển khai thực hiện một số hạng mục công việc, gói thầu của dự án theo cam kết với nhà tài trợ.
Về phí cam kết phát sinh sau khi gia hạn các hiệp định vay đã ký, UBND TP.HCM cam kết trả toàn bộ. Riêng các khoản vay từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thành phố sẽ chi trả phí cam kết và lãi suất từ nguồn vốn đối ứng của dự án sau khi hạn ngạch tài trợ phí cam kết, lãi của các khoản vay được sử dụng hết. UBND TP.HCM cũng đã bố trí vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng sẽ kiến nghị Trung ương giải quyết các vướng mắc về vốn đầu tư và thuế nhập khẩu hàng hóa của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang, tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã triển khai thực hiện 3 hợp đồng xây lắp và 1 hợp đồng mua sắm thiết bị theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC; một gói thầu còn lại (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và Bảo dưỡng) sẽ triển khai thiết kế kỹ thuật vào đầu năm 2018.
Trong đó, gói thầu CP1a (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP.HCN), khối lượng thực hiện tổng thể đạt khoảng 13,5%. Gói thầu CP1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP.HCM đến ga Ba Son), khối lượng thực hiện tổng thể đạt 51%. Gói thầu CP2 (xây dựng đoạn trên cao và trạm trung chuyển chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương), khối lượng tổng thể đạt khoảng 69,5%.
Về gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), đến nay, thực hiện đạt khoảng 18% khối lượng công việc hợp đồng. Dự kiến đầu tháng 10.2017 sẽ tiến hành lắp đặt ray đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu vượt Xa lộ Hà Nội. Dự kiến tháng 8.2018 vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam. Gói thầu CP4 (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và Bảo dưỡng), dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật vào đầu năm 2018.
Theo Một Thế giới