TP HCM kiến nghị không giao chủ đầu tư thu phí bảo trì chung cư

Thứ bảy, 27/04/2019, 12:50 GMT+7

UBND TP HCM vừa kiến nghị Trung ương điều chỉnh Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng các bên khởi kiện tại TAND về luật tố tụng dân sự khi xảy ra tranh chấp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư giữa chủ đầu tư và ban quản trị.

Về lâu dài, thành phố kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Thay vào đó, quỹ bảo trì của từng chung cư sẽ do ban quản trị thu từ các chủ sở hữu trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ %. Con số này do Hội nghị nhà chung cư quyết định.

Cư dân một chung cư tại quận 7, TP HCM phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Duy Trần

Cư dân một chung cư tại quận 7, TP HCM phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Duy Trần.

Ngoài ra, theo chính quyền thành phố, Chính phủ cần có biện pháp chế tài đối với các vi phạm trong quản lý sử dụng chung cư như: chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư; vi phạm Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư; Ban quản trị nhà chung cư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên...

Bộ Xây dựng cũng cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định diện tích để xe đạp, xe cho người tàn tật, xe máy và ôtô, tránh phát sinh tranh chấp; hướng dẫn việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu nơi để xe tại chung cư đối với trường hợp sau ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành đến trước ngày Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành; hướng dẫn mô hình hoạt động của ban quản trị theo Hội đồng quản trị hợp tác xã hoặc của công ty cổ phần.

Liên quan đến phí bảo trì nhà chung cư, hôm 19/3 Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng đổi mới phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Theo cơ quan này, quy định thu phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là cần thiết. Tuy nhiên, phương thức thu và quản lý, sử dụng như cách làm hiện nay có nhiều bất cập.

Cụ thể, nó làm tăng gánh nặng cho người mua, khi phải trả thêm 2% ngay khi nhận bàn giao. Hơn nữa, đây cũng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp gay gắt về quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư. Theo HoREA, quỹ bảo trì là "miếng mồi ngon" thu hút một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách tham gia vào Ban quản trị nhà chung cư để trục lợi.

Số liệu từ HoREA cũng cho biết, trong 44 chung cư nổ ra tranh chấp gần đây được Sở Xây dựng TP HCM thụ lý, có 34 vụ liên quan đến quỹ bảo trì (chiếm 77%).

Hiệp hội kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà khi nhận. Theo HoREA, chủ sở hữu vẫn phải đóng 2% này nhưng trong 60 tháng. Đây cũng thường là lúc kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư nên mới cần quỹ để sửa chữa, bảo dưỡng.

HoREA cũng kiến nghị cần có quy định rõ quỹ bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm.


Hữu Nguyên/vnexpress.net