Sau hơn 2 tháng, hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) tại Tp.HCM vẫn chưa được ban hành theo như quy định khiến việc hợp thức hóa, chuyển đổi, mua bán nhà đất của người dân bị tắc nghẽn. Đáng nói, sự việc này năm nào cũng diễn ra khiến người dân bức xúc.
Có tiền mà không được đóng
Như trường hợp bà Thanh ở Quận Thủ Đức đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất ở tại đô thị cho miếng đất hơn 655m2, trong đó phần đất ngoài hạn mức khoảng 400m2. Mặc dù bà đã nộp hồ sơ lên Chi cục Thuế Q.Thủ Đức từ khoảng 1 tháng nay, nhưng vẫn chưa nhận được thông báo đóng tiền sử dụng đất. Bà Thanh bức xúc cho biết: "Hiện tại, gia đình đang có nhu cầu tách khu đất này để bán lấy tiền cho các con làm ăn. Tất cả hồ sơ quận đã ký, giờ chuyển lên thuế để chờ đóng tiền cho phần đất vượt hạn mức nhưng đã chờ gần 1 tháng vẫn chưa có kết quả. Lên cơ quan thuế thì họ nói phải chờ do TP chưa ban hành hệ số K nên không có cơ sở tính toán áp dụng”.
Tương tự, hàng chục hộ dân khác tại P. Linh Đông, Q.Thủ Đức cũng có hồ sơ xin đóng tiền sử dụng đất hơn 1 tháng nay vẫn đang tắc ở ngành thuế. Khu đất của các hộ dân rộng gần 900 m2 hiện nay xin chuyển đổi lên đất thổ cư để có thể tách thửa nhưng hồ sơ đang bị "tắc" ngay Chi cục Thuế Q.Thủ Đức.
Lãnh đạo một số chi cục thuế trên địa bàn Tp.HCM cho hay, nhiều hồ sơ chuyển đổi, hợp thức hóa nhà đất còn tồn đọng, chưa thể tiến hành đóng thuế do UBND TP chưa ban hành hệ số K cho năm 2017.
Theo ông Lê Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Thủ Đức, chi cục phải chờ hệ số K mới chứ không thể dựa theo hệ số cũ. Tính đến nay, tại Chi cục Thuế Q.Thủ Đức còn 238 hồ sơ đang nằm chờ, tại Chi cục Thuế Q.Bình Tân có 69 hồ sơ, Chi cục Thuế Q.6 có 5 hồ sơ... Được biết, đại diện các chi cục thuế đều đã có văn bản thông báo đến cho người nộp thuế rằng họ đang chờ hệ số K của năm 2017 mới có thể tính toán tiền sử dụng đất cho người dân nộp, thời hạn trả hồ sơ sẽ được tính từ ngày hệ số K mới được ban hành.
Người dân làm thủ tục nhà đất tại Tp.HCM. Ảnh: Gia Khiêm
Một lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết, khó có thể áp dụng cái cũ, do hệ số mới có thể tăng hoặc giảm so với hệ số cũ, phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi cơ quan thuế sẽ phải truy thu hoặc truy hoàn đối với người nộp thuế.
“Theo quy định, thời gian cơ quan thuế trả hồ sơ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ là 3 ngày làm việc theo quy định, tuy nhiên do “tắc” hệ số K nên nhiều hồ sơ tồn đọng cả tháng nay”, lãnh đạo một chi cục thuế cho hay.
Hệ số K không thay đổi
Theo một lãnh đạo Sở Tài chính Tp.HCM, hiện Sở đã trình phương án hệ số K lên Thường trực UBND Tp.HCM. Theo quy trình phải được HĐND thông qua thì UBND TP mới ký ban hành được. Nhưng đến nay HĐND Tp.HCM vẫn chưa thông qua. Trước mắt Sở cũng đã trình UBND TP chỉ đạo các quận, huyện tạm tính hệ số K theo quyết định cũ năm 2016 nhưng TP vẫn chưa có chỉ đạo chính thức.
Về hệ số K năm 2017, Sở Tài chính có phương án trình UBND TP là về cơ bản hệ số K vẫn giữ như năm 2016. Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải đất ở sang đất ở đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức thì hệ số K = 1,0 lần giá đất do TP quy định và công bố.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, chuyên gia thị trường bất động sản cho rằng, do hệ số K phụ thuộc theo từng tuyến đường, khu vực, vị trí phù hợp với thị trường và sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực đó, nên hệ số mới sẽ khác hệ số cũ, do vậy khó thể áp dụng hệ số cũ. Song, cơ quan quản lý cũng không thể để người dân chờ đợi lâu, thiệt thòi quyền lợi. Cần phải có giải pháp hạn chế thiệt hại, rủi ro cho người dân, tránh thể để tình trạng “đến hẹn lại tắc hệ số K” như mấy năm qua.
Năm nào cũng vậy, mấy tháng đầu năm người dân lại phàn nàn về việc không thể đóng tiền sử dụng đất đối với phần đất vượt hạn mức do TP chậm trễ trong việc ban hành hệ số K. Phó giám đốc một công ty bất động sản kiến nghị, cơ quan quản lý không thể bắt người dân chờ đợi vì lỗi chậm trễ trong việc xác định hệ số K do mình gây ra.
Theo vị này, cơ quan chức năng có thể chuẩn bị hệ số này từ 3 tháng trước khi kết thúc năm, thay vì phải chờ đến hết năm mới bắt tay rà soát. Nhiều gia đình chuẩn bị hồ sơ cho con đi du học hay thay đổi chỗ ở... đều phải đình lại chờ 2 tháng nay. Cơ quan quản lý có thể linh hoạt áp dụng hệ số cũ cho đến khi ban hành hệ số mới để tránh thiệt thòi quyền lợi người dân. Thậm chí ngay trong quyết định ban hành, có thể kèm thêm một quy định “khi TP chưa công bố, ban hành hệ số K mới thì các địa phương vẫn tạm thời áp dụng hệ số K cũ cho đến khi có quyết định mới”, ông nói.
Theo Báo Thanh Niên Online