Nối từ quận 2 qua quận 7, dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư hơn 5.250 tỷ đồng và chi phí dời cảng Tân Thuận khoảng 3.500 tỷ đồng.
UBND Tp.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và cho phép UBND thành phố được lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Nhiều khả năng liên danh gồm Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620, Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 sẽ được chọn làm nhà đầu tư theo trình tự đặc biệt (theo Điều 26 Luật Đấu thầu).
Theo UBND thành phố, dự kiến, trong năm 2017, các công trình hạ tầng giao thông chính trong khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm sẽ được hoàn thành. Do đó, việc nhanh chóng xây dựng hệ thống cầu kết nối giao thông KĐT Thủ Thiêm với khu Nam và trung tâm hiện hữu để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh KĐT Thủ Thiêm là rất cần thiết. Bởi hiện nay, KĐT mới Thủ Thiêm chưa kết nối được với quận 4, quận 7 và khu Nam mà chỉ kết nối giao thông với trung tâm hiện hữu tại quận Bình Thạnh và quận 1.
Ngoài cầu Sài Gòn, hầm chui Thủ Thiêm, theo quy hoạch còn có 4 cầu
bắt ngang sông Sài Gòn kết nối vào KĐT mới Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 đang thi công. Cầu Thủ Thiêm 1 đã khai thác.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong thuyết trình trong văn bản kiến nghị: “Việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7. Dự án còn giúp kết nối KĐT mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KĐt mới Thủ Thiêm và KĐT mới Nam”.
Theo đề xuất, dự án cầu Thủ Thiêm 4 có chiều dài khoảng 2.160m, gồm 6 làn xe với phần cầu chính từ bờ quận 7 qua đến hết cầu phía quận 2. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.250 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng (phía quận 7) là hơn 960 tỷ đồng, chi phí xây lắp và thiết bị hơn 3.200 tỷ đồng.
Cầu có 2 nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ quận 7 sẽ đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát và phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh ở trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2.
UBND thành phố đề xuất thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT và thanh toán cho nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất trong KĐT mới Thủ Thiêm và tại các vị trí khác. Dự kiến gồm 11 lô đất (rộng khoảng 99.904m2) thuộc khu chức năng số 3 và số 4 trong KĐT mới Thủ Thiêm.
UBND thành phố dự kiến dùng 4 khu đất ở đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, rộng 5.300m2), ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, rộng gần 1.190m2), ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, rộng 7.000m2) và ở đường Linh Trung (quận Thủ Đức, rộng 11.760m2) để thanh toán cho phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí khác.
Cầu Thủ Thiêm 4 nằm gần cầu Phú Mỹ nhưng để giảm chi phí đầu tư, Tp.HCM kiến nghị xây dựng với tĩnh không chỉ 10m (cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45m). Vì vậy, việc triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 đến bến cảng Tân Thuận Đông, giảm khả năng tiếp nhận tàu cập cảng Sài Gòn… và có khả năng sẽ phải ngưng hoạt động toàn bộ khu bến Tân Thuận.
UBND thành phố kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cảng biển và di dời một số bến cảng này về cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Việc di dời này còn giúp Tp.HCM giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trong nội đô, đặc biệt là tại các điểm đen như nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2, Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Kênh Tẻ, cầu Phú Mỹ…
UBND thành phố cũng lên kế hoạch xây khu bến cảng mới tại cảng Hiệp Phước để di dời khu bến Tân Thuận và xây cầu Thủ Thiêm 4 vào cuối năm 2019. 3.500 tỷ đồng là tổng mức đầu tư cảng mới, do nhà đầu tư ứng trước và được thanh toán bằng quỹ đất tại khu cảng Tân Thuận hiện hữu và các nơi khác.
Theo Pháp Luật TP HCM Online