Tp.HCM: Chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn

Thứ tư, 08/03/2017, 10:20 GMT+7

Bộ Xây dựng vừa có Văn bản phúc đáp văn bản số 886/VPCP-CN ngày 03/02/2017 của Văn phòng Chính phủ đề nghị có ý kiến về việc chấp thuận cho UBND Tp.HCM được chủ động chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn.

tp-hcm-chinh-trang-do-thi-doc-cac-tuyen-kenh-rach-tren-dia-ban

Chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn Tp.HCM

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Về việc giải quyết một số đề xuất của UBND Tp.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại Mục 7 tại Văn bản số 8963/VPCP-V.III ngày 20/10/2016 của Văn phòng Chính phủ: “Về cơ chế chỉ định thầu dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân ở trên và ven kênh, rạch: UBND Tp.HCM xây dựng danh mục các dự án cụ thể gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất việc chỉ định thầu các dự án trong danh mục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Vì vậy, để Bộ Xây dựng có đủ cơ sở xem xét, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư của các dự án, Đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn Tp.HCM cần bổ sung, làm rõ một số nội dung sau:

Mục “Đề xuất quy trình chỉ định nhà đầu tư” được nêu tại Phần thứ ba (Phương thức và quy trình thực hiện), cần làm rõ trách nhiệm của thành phố với việc thực hiện từ bước 1 đến bước 4 hết bao nhiêu thời gian, thực hiện cả 8 bước mất bao nhiêu thời gian, rà soát đối chiếu lại quỹ thời gian rút ngắn được so với quy định hiện hành (làm rõ kế hoạch, thời gian được rút ngắn cho từng dự án, công việc được thành phố đề xuất chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư).

Làm rõ trong 62 dự án có bao nhiêu dự án thuộc nhóm 1 (chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách), bao nhiêu dự án thuộc nhóm 2 (chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP) và bao nhiêu dự án thuộc nhóm 3 (đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị - di dời và tái định cư nhà trên và ven các tuyến kênh, rạch).

Cần làm rõ lý do xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt của từng dự án, gói thầu cần áp dụng quy định tại Điều 26 - Luật Đấu thầu 2013. Chỉ nên thực hiện chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu với các dự án, công việc yêu cầu tiến độ cấp bách, với các dự án, gói thầu khác cần thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư của Chính phủ để đảm bảo tính khách quan trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư, nhà thầu.

Theo Báo Xây dựng Online