Sáng 22/3, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã gặp đại diện 523 hộ dân của 4 phường Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa nằm trong dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế để trao đổi chính sách di dời, đền bù.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất TP Huế cho biết 2.938 hộ dân với 10.955 nhân khẩu sống trong khu vực I di tích Kinh thành Huế sẽ được di dời đến khu định tái cư ở phường Hương Sơ.
Kế hoạch di dời chia thành ba gia đoạn, trong năm 2019 là 523 hộ dân ở Thượng Thành; năm 2020 giải tỏa khu vực Eo Bầu; năm 2021 di dời dân ở khu vực Hộ Thành Hào và tuyến phòng hộ.
Khu ổ chuột của người dân ở khu vực Kinh thành Huế. Ảnh: Võ Thạnh |
"Qua khảo sát, 100% hộ dân mong muốn được cấp đất ở thay vì ở chung cư. Chúng tôi đã lên kế hoạch thu hồi 73 ha đất ở phường Hương Sơ để bố trí 3.526 lô đất tái định cư cho người dân (bao gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô đất từ 60 m2 đến 200m2 " ông Tuấn nói.
Các hộ dân có nhà trong di tích Kinh thành Huế trước ngày 15/10/1993 sẽ được hỗ trợ 100% giá trị căn nhà nhưng không vượt quá 200 m2; các hộ dân sau ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2004 được hỗ trợ 50%. Ngoài ra, chính quyền hỗ trợ tiền thuê nhà trong 6 tháng cho người dân sau khi di dời, hỗ trợ tiền chuyển nhà.
Ngồi lắng nghe phương án di dời, ông Hồ Minh (80 tuổi, phường Tây Lộc) dùng bút ghi chép cẩn thận các chính sách mà thành phố đưa ra vào tờ giấy nhỏ. Ông bảo, ghi lại như vậy để so sánh khi chính quyền thực hiện di dời xem có đúng không.
Ông Hồ Minh ghi chép cẩn thận các chính sách di dời thành phố Huế đưa ra. Ảnh: Võ Thạnh |
"Bốn thế hệ gia đình tôi sống ở Thượng Thành từ năm 1970. Chính sách và phương án di dời thành phố đưa ra rất phù hợp, tôi ủng hộ, tuy nhiên thành phố cần có văn bản về các chính sách này gửi về từng nhà", ông Minh đề nghị.
Bà Phan Thị Thủy, tổ 20 ở phường Tây Lộc cũng cho rằng chính sách chung về bồi thường của thành phố là hợp lý song cần giải thích rõ hơn về quyền lợi của từng hộ dân. "Người dân ở Thượng Thành đa số là lao động nghèo, dân chạy bão năm 1983, lũ lụt năm 1999, nhiều gia đình không có hộ khẩu, nhiều người không có chứng minh nhân dân do vậy thành phố cần tạo điều kiện làm lại giấy tờ tùy thân cho họ", bà nói.
Bà Phan Thị Thủy mong lãnh đạo thành phố quan tâm cấp hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân cho người dân. Ảnh: Võ Thạnh |
Nhiều người dân thuộc diện di dời cũng nêu lo ngại di dời sẽ ảnh hưởng đến việc làm, khả năng vay vốn làm ăn, học hành của con em do phải chuyển trường.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch TP Huế chia sẻ ý kiến của người dân và khẳng định, việc đi học của con em gia đình trong diện di dời không bị ảnh hưởng vì các cháu được phép học trường cũ và đúng tuyến; nếu các cháu có nguyện vọng học ở trường mới sẽ được ưu tiên giải quyết.
Ông Thành cũng yêu cầu Trung tâm quỹ đất thành phố phối hợp với các phường, lập phòng tiếp đón người dân có thắc mắc về phương án đền bù, giải tỏa để giải thích cho người dân hiểu rõ hơn.
Kinh thành Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long, vua Minh Mạng với diện tích 520 ha.
Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I - nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng.
Trong khi đó, hàng chục năm qua, khu vực trên có hàng nghìn hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Rác thải sinh hoạt của người dân nơi đây chất đống dưới chân tường thành đã khiến hình ảnh di tích trở nên nhếch nhác.