Thủ tục đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai lần đầu

Thứ sáu, 05/01/2018, 11:07 GMT+7

- Trình tự thực hiện

- Hướng dẫn kê khai

- Trang bổ sung đơn yêu cầu đăng ký thế chấp

- Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

a) Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố (địa chỉ số 12 Phan Đăng Lưu, Phường 7, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện (nơi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện chưa có trụ sở riêng), từ thứ hai đến thứ sáu (buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút) và buổi sáng thứ bảy (từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút).

- Bước 2:

  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ghi thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Phiếu tiếp nhận hồ sơ; ký và ghi rõ họ, tên vào phần cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Vào Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người yêu cầu đăng ký bổ sung hồ sơ theo quy định.
  • * Trường hợp hồ sơ yêu cầu đăng ký được nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm phải chuyển hồ sơ yêu cầu đăng ký cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ngay trong ngày làm việc để giải quyết.

- Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai lần đầu. Trong trường hợp từ chối đăng ký, phải thông báo bằng văn bản.

- Bước 4: Căn cứ vào Phiếu tiếp nhận hồ sơ, người yêu cầu đăng ký nhận kết quả.

b) Cách thức thực hiện:

Nộp và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ:

  • Bản chính Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp theo mẫu;
  • Bản gốc Hợp đồng thế chấp có công chứng theo quy định;
  • Hợp đồng mua bán nhà ở của tổ chức, cá nhân mua nhà ở ký với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp bên thế chấp là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì phải có thêm bản sao văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở.
  • * Trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì nộp bản sao có chứng thực Văn bản ủy quyền hoặc bản photo kèm bản chính.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ

d) Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.

e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Đơn yêu cầu đăng ký được xác nhận hoặc từ chối bằng văn bản, có nêu rõ lý do.

h) Lệ phí: 80.000 đồng/hồ sơ.

i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp lập theo Mẫu số 01/ĐKTC-NTL ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày 25/4/2014, trường hợp Mẫu số 01/ĐKTC-NTL không đủ để kê khai nội dung đăng ký thì kê khai bổ sung vào Mẫu số 04/ĐKTC-NTL.

k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không.

l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

  • Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014);
  • Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015);
  • Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (có hiệu lực kể từ ngày 27/01/2007);
  • Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, (có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2012);
  • Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ Về đăng ký giao dịch bảo đảm (có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2010);
  • Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/2/2012 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật (có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2012);
  • Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014);
  • Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18/5/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên (có hiệu lực kể từ ngày 02/7/2011);
  • Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày 25/4/2014 của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, có hiệu lực từ ngày 16/6/2014;
  • Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 15/3/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm áp dụng tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2014).

Mẫu số 01/ĐKTC-NTL

HƯỚNG DẪN KÊ KHAI

1. Hướng dẫn chung

Đối với các nội dung kê khai trong đơn có nhiều mục để lựa chọn thì đánh dấu X vào ô vuông £ tương ứng với mục được chọn và kê khai các thông tin liên quan đối với mục đó.

2. Bên thế chấp, bên nhận thế chấp

Tại điểm 1.4 và điểm 2.4: Nếu bên thế chấp, bên nhận thế chấp là cá nhân trong nước thì kê khai về chứng minh nhân dân; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì kê khai về hộ chiếu; nếu là tổ chức thì kê khai về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy phép đầu tư.

3. Nhà ở hình thành trong tương lai thế chấp

3.1. Tại điểm 3.1: Ghi đầy đủ tên dự án nhà ở hình thành trong tương lai.

3.2. Tại điểm 3.2: Kê khai địa chỉ dự án nhà ở hình thành trong tương lai.

3.3. Tại điểm 3.4:

  • Vị trí căn hộ (nhà biệt thự, liền kề): Ghi vị trí căn hộ hoặc vị trí nhà ở đối với nhà biệt thự, liền kề.
  • Vị trí tầng: Nếu là căn hộ chung cư thì ghi căn số tầng có căn hộ thế chấp, nếu là nhà biệt thự, nhà liền kề thì ghi số tầng xây dựng.

3.4. Tại điểm 3.5: Ghi diện tích sử dụng của căn hộ đối với nhà chung cư và ghi diện tích xây dựng đối với nhà biệt thự, liền kề.

3.5. Tại điểm 3.6: Ghi số hợp đồng và ngày, tháng, năm ký hợp đồng mua bán nhà ở hoặc hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

4. Hợp đồng thế chấp

Ghi số hợp đồng và ngày, tháng, năm ký hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

5. Trang bổ sung và tài liệu kèm theo

Ghi số lượng trang bổ sung theo mẫu số 04/ĐTC-NTL, ghi số lượng và liệt kê các tài liệu kèm theo.

6. Mục các bên thế chấp, bên nhận thế chấp ký tên

Trường hợp bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp thì cá nhân hoặc người có thẩm quyền đại diện cho tổ chức được ủy quyền ký tên đóng dấu (nếu là tổ chức) vào vị trí tương ứng dành cho bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp; đồng thời ghi “TUQ” trước các tiêu đề “Bên thế chấp” hoặc “Bên nhận thế chấp”.

Trang bổ sung đơn yêu cầu đăng ký thế chấp
Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

UBND Tp.HCM
Người viết : vancuong