Hôm nay (27/10), UBND huyện Hóc Môn, Tp.HCM đã chính thức ra thông báo kêu gọi người dân cảnh giác khi thực hiện giao dịch các căn nhà "ba chung" (gồm giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và số nhà).
Sở dĩ huyện đưa ra thông báo này vì gần đây, nhiều người dân trên địa bàn đã bị lừa khi mua nhà thông qua hình thức lập vi bằng chuyển nhượng. Khi giao dịch, người mua không hề hay biết tài sản đã bị thế chấp ở ngân hàng hoặc cầm cố, chuyển nhượng bằng giấy tay cho người khác. Khi đã trả đủ tiền và dọn đến ở, người dân mới tá hỏa vì không được vào nhà, khiến tranh chấp xảy ra.
Theo nội dung thông báo, UBND huyện Hóc Môn cho biết các "cò đất" sử dụng thuật ngữ "vi bằng công chứng thừa phát lại", "công chứng thừa phát lại" làm công cụ tư vấn cho các khách hàng của mình. Trên thực tế, đây không phải là những thuật ngữ pháp lý mà là một cách dùng từ sai và tùy tiện của dân "cò đất". Chủ đích của họ khi dùng các thuật ngữ này là để thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà khách hàng tham gia.
Một dãy nhà "ba chung" trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Hiện đã có nhiều
người dân trên địa bàn bị lừa mua bán bất động sản qua vi bằng. Ảnh: Lê Phong
UBND Tp.HCM giải thích: "Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định". Từ khái niệm này, UBND Tp.HCM kết luận, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng có nguy cơ rủi ro cao cho các bên tham gia giao dịch (đặc biệt là bên mua).
Do đó UBND huyện Hóc Môn phát thông báo đề nghị người dân nếu muốn mua bán nhà đất hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện hãy liên hệ trực tiếp với UBND xã – thị trấn, nơi có bất động sản cần giao dịch. Ngoài ra, người dân cũng có thể đến UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để kiểm tra kỹ các thông tin cũng như thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Cách làm này sẽ giúp người dân không bị cò đất lừa gạt, dễ nảy sinh các tranh chấp sau này.
Theo Người Lao Động