Là hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước nhưng trong quý 3 năm 2019, diễn biễn thị trường tại Hà Nội và Tp.HCM có nhiều điểm khác biệt, khập khiễng về giá sản phẩm, nhu cầu mua.
Ảnh minh hoạ.
Thị trường Hà Nội và Tp.HCM khập khiễng
Cụ thể, theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội, quý 3/2019, thị trường bất động sản đánh dấu sự sụt giảm cả về lượng cung và giao dịch so với quý 2 và cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, tại Tp.HCM, lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tăng mạnh; lượng cung chung cư quý 3 tăng xấp xỷ 3,5 lần so với quý 1, và xấp xỷ 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Giao dịch chung cư tăng 3,9 lần so với quý 1 và 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
"Tuy nhiên chúng tôi đánh giá các giao dịch thành công là khách hàng có nhu cầu sử dụng thực, không có hiện tượng đầu cơ nhiều. Đây là do việc giá có chiều hướng đi ngang và đi xuống nên hoạt động đầu cơ mua bán gần như không có", ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh
Về tỷ lệ hấp thụ, tại Hà Nội, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi đó, ở Tp.HCM tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở tại Tp.HCM đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, xấp xỉ 95%.
Về giá, tại Hà Nội, giá bán căn hộ gần như không có biến động so với quý trước, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Giá nhà ở thấp tầng tiếp tục ổn định. Trong khi đó, tại Tp.HCM, căn hộ giá thấp khan kiếm nguồn hàng. Giá căn hộ trung cấp tiếp tục tăng khoảng 5% so với quý 2. Ở phân khúc cao cấp có sự chênh lệch lớn về giá bán: Các dự án tại khu trung tâm: Giá từ 100 triệu/m2, có những dự án lên tới 200-300 triệu/m2; các dự án tại quận 7, quận 2: dao động ở mức 60-75 triệu/m2.
Tình hình bất động sản nhà ở cả nước.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản cả nước, Hiệp hội môi giới cho biết, giá bán căn hộ tại Hà Nội ổn định, tại Tp.HCM tăng mạnh. Thị trường căn hộ chung cư tiếp tục cho thấy sự phát triển mất cân đối giữa các phân khúc, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam và một số tỉnh thành khác trên cả nước tiếp tục có dấu hiệu suy giảm bởi các vấn đề về chính sách và vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng. Nguồn cung hạn chế, giao dịch chủ yếu đến từ các dự án đã chào bán trước đó. Xảy ra tình trạng một số dự án đóng bảng hàng, ngừng giao dịch do điều kiện pháp lý chưa đảm bảo hoặc không bán được hàng.
Một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng,… dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện các dự án phát triển tại các khu vực này đều trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có sản phẩm chào bán ra thị trường.
"Thị trường bất động sản nhà ở cả nước quý 3/2019 tiếp tục cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, có dấu hiệu phát triển không ổn định. Vì vậy cần theo dõi sát sao và có biện pháp bình ổn nếu cần thiết", Hội môi giới bất động sản nhấn mạnh.
Hiệu ứng xấu từ vụ việc của Công ty Alibaba
Đánh giá về thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2019, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tại Hà Nội, thị trường tiếp tục phát triển ổn định, có tính chất bền vững. Nguồn cung có thể không tăng tương đương quý 3, trong đó tỷ trọng các phân khúc nhà ở không có nhiều thay đổi. Giao dịch có thể vượt quý 3/2019 nhưng không để đạt mức cùng kỳ năm 2018; Giá cả không có biến động lớn, ước tăng 1-2%.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách, nguồn hàng mới từ các dự án sẽ tiếp tục khan hiếm và có chiều hướng sụt giảm so với quý 3/2019. Đặc biệt là thiếu hẳn phân khúc nhà ở giá thấp. Giao dịch vẫn tiếp tục với tỷ lệ hấp thụ cao, duy trì ở mức trên 90%; Giá tiếp tục tăng từ 3-5%.
Nguồn cung và lượng giao dịch các tỉnh Miền Đông Nam Bộ có thể sụt giảm mạnh từ vụ việc của Công ty Alibaba. Chính quyền quản lý chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng. Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua - bán bất động sản.
Tại Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục trầm lắng, không có nhiều thay đổi bởi gần như chưa thấy có dấu hiệu về việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển dự án trở lại.
Còn tại các tỉnh Đông Bắc Bộ như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên,… có thể khởi sắc hơn Quý 3 vởi nhu cầu đầu tư mạnh dịp cuối năm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.