Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng – tiềm năng lớn

Chủ nhật, 07/04/2019, 22:44 GMT+7

Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản (BĐS) du lịch 2019, do Tạp chí điện tử TheLEADER tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/4, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện là Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá "Thị trường này có quá nhiều tiềm năng để phát triển".

Các khách mời là những chuyên gia, quản lý trong ngành BĐS, du lịch và kinh tế tại Diễn đàn.

Tiềm năng lớn

Chiến lược mới của Đảng và Chính phủ coi du lịch, nông Nghiệp, IT là 3 trọng tâm phát triển. Đặc biệt, du lịch là ngành có nhiều nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Do đó, trong các năm qua, cùng với xu thế chung thì BĐS du lịch hay còn gọi là BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển mạnh và có mức tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt là với các resort 4 - 5 sao. Bên cạnh đó còn xuất hiện khá nhiều cơ sở nghỉ dưỡng tầm quốc tế. Song song là sự xuất hiện khá nhiều của các doanh nghiệp BĐS chuyển sang làm mô hình BĐS nghỉ dưỡng và thời gian qua lượng doanh nghiệp cũng tăng cao.

“Phân khúc này tiềm năng rất cao vì condotel và biệt thự nghỉ dưỡng phù hợp với khả năng và nhu cầu của người dân, tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này đòi hỏi phải trường vốn vì thời gian đầu tư rất dài”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo đánh giá, vào năm 2020, du lịch sẽ đạt tổng doanh thu 35 tỷ USD và gấp đôi vào năm 2030. Xuất khẩu nông nghiệp 40 tỷ USD (ngành có 44% lực lượng lao động Việt Nam tham gia).

Số liệu của Tổng Cục du lịch cho thấy, năm 2010 lượng khách nội địa là 28 triệu, khách quốc tế là 5,05 triệu, đến năm 2016 khách nội địa là 62 triệu, khách quốc tế là trên 10 triệu, nhưng đến năm 2018 lượng khách nội địa đạt 80 triệu, khách quốc tế 15,5 triệu.

Với số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều: dự kiến đến năm 2020 là 20 triệu lượt (gấp đôi năm 2016) dự báo của Chính phủ. Tốc độ tăng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức tăng khoảng 20%/năm.

Bên cạnh đó, dân số Việt Nam khoảng 100 triệu và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng là lượng cầu nội địa lớn. Tốc độ tăng khách du lịch nội địa khoảng 10% /năm.

Các điều kiện tự nhiên của Việt Nam có nhiều địa danh, đường biển dài và đẹp, hạ tầng phát triển nhanh. Hệ thống đường cao tốc, hàng không phát triển nhanh. Đời sống tăng cao, nên nảy sinh ra các nhu cầu ngôi nhà thứ hai để nghỉ ngơi là xu hướng của thế giới nói chung và đến nay bắt đầu phát triển tại Việt Nam.

Phân khúc bất động sản du lịch của FLC

BĐS du lịch cần “danh phận” rõ ràng

Với những thông tin đó, ông Nam cho rằng cần đẩy nhanh việc cho loại hình BĐS du lịch này một “danh phận”, cụ thể là phải có tính pháp lý cho phân khúc này, vì phân khúc này đã xuất hiện cách đây hơn 2 năm, đó là một thời gian quá dài cho một sản phẩm.

Ngoài vấn đề cần một pháp lý rõ ràng cho BĐS du lịch thì còn có một khó khăn khác là khi các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này phải có nguồn vốn rất lớn, rất dài hạn, có chuyên môn, có uy tín và tổ chức tốt. Tuy nhiên, Nghị định 20 của Chính phủ lại quy định khống chế tỷ lệ lãi vay ngân hàng để trừ thuế thu nhập doanh nghiệp khi tính vào giá thành chỉ được 20% cho tổng lợi nhuận thuần cộng với khấu hao.

“Điều đó vô hình chung đã khống chế sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng có một tín hiệu mới là cách đây mấy ngày Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị tôi tổng hợp các ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ thời gian tới nhằm tháo gỡ các khó khăn”, ông Nam cho biết thêm.

Du lịch tăng trưởng hấp dẫn đầu tư vào BĐS du lịch

Theo TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch, Du lịch Việt Nam thời gian qua có bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nguồn động lực chủ yếu gia tăng giá trị và kích thích đầu tư vào BĐS du lịch ở những trung tâm du lịch lớn.

Có thể nói tốc độ tăng trưởng du lịch rất ấn tượng, có năm lên tới 30% về lượng khách quốc tế; trong 3 năm 2015-2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần.

Năm 2018, đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với 2017, cùng với 80 triệu lượt khách nội địa thì quy mô kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế với tổng thu du lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng, đóng góp trên 8% GDP.

Sự lớn mạnh của ngành Du lịch đã kích thích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, hệ thống sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối, mang lại nguồn thu, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm... và tác động lan tỏa đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là đầu tư vào BĐS du lịch.

Rõ ràng, với sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là các khu du lịch biển như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu...

Theo ông Siêu, với công suất buồng và mức giá trung bình đối với phân khúc 4-5 sao theo điều tra của Grant Thornton như nêu ở trên thì có thể thấy đầu tư vào 1m2 BĐS du lịch mang lại giá trị gia tăng vượt trội hơn hẳn các kênh đầu tư vào BĐS loại hình khác. Có thể nhận thấy yếu tố quyết định đến sức hấp dẫn của BĐS du lịch là bởi nó định vị tại điểm đến hấp dẫn du lịch, là những địa danh gắn liền với các khu du lịch quốc gia, nơi được xác định có giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc và độc đáo, đó là di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được UNESCO công nhận, là nơi giá trị sinh thái như biển, núi, hồ… với đặc điểm địa hình, khí hậu lý tưởng cho sự sống và thụ hưởng của con người.

Cho đến nay, những dự án đầu tư vào hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại các trung tâm du lịch ở nước ta đang đón nhận một lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa là kênh đầu tư được đánh giá hiệu quả cao. Sức hấp dẫn đầu tư vào bất động sản du lịch chủ yếu vào các loại hình: Khách sạn, resorts, căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, shop house hay khu phức hợp du lịch giải trí tại khu du lịch ngày càng mạnh khi lượng khách du lịch tăng cao.

Thực tế từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển BĐS du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh. Các dự án BĐS du lịch được mở bán tại các thành phố lớn, các khu vực ven biển, miền núi, hải đảo như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, Đồ Sơn... Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh.

Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào BĐS du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho BĐS tại điểm du lịch.

Do đó, làn sóng đầu tư vào BĐS du lịch với hệ số sinh lời cao đang gia tăng nhanh chóng nguồn cung lưu trú du lịch. Chính vì thế, ông Siêu lo ngại du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng sẽ đến lúc dao động và chững lại, mặt khác ở phạm vi cục bộ điểm đến và tại thời vụ thấp điểm xuất hiện cung vượt cầu, công suất sử dụng buồng thấp, giá thấp dẫn tới hiệu quả đầu tư bấp bênh.

Chính vì thế, để BĐS du lịch tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn thì cần có những giải pháp và khuyến nghị từ phía ngành Du lịch về xu hướng tăng tưởng du lịch gắn với điểm đến và loại hình lưu trú sẽ hứa hẹn đầu tư hiệu quả.


Mạnh Cường / baoxaydung.com.vn