Đó là chủ trương được UBND TP.HCM thống nhất tại buổi làm việc, vào ngày 5.8, với 24 quận, huyện, các sở ngành về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Liên quan đến xây dựng không phép, sai phép, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết từ tháng 1 - 7.2017, Thanh tra Sở phối hợp UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn kiểm tra tại 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện gần 2.000 trường hợp vi phạm, tập trung chủ yếu ở Q.9, Q.7, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Cần Giờ… Tại các đội thanh tra xây dựng có 5 trường hợp bị kỷ luật, trong đó buộc thôi việc 1, cảnh cáo 1 và khiển trách 3; thông báo phê bình rút kinh nghiệm 28 trường hợp, đang xem xét kỷ luật 49 trường hợp.
Xem lại quy hoạch
Thực trạng một số người dân xây dựng không phép, sai phép có liên quan bất cập trong khâu quy hoạch đô thị cũng đã được lãnh đạo UBND TP đề cập. Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, quy hoạch không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép, sai phép. Ví dụ chỗ nào cũng quy hoạch cây xanh theo ý thích chủ quan, chỗ nào cũng đường, trường học, bệnh viện… Có thể, về mặt nhận thức thì không sai nhưng triển khai có khả thi hay không lại là chuyện khác.
“Hiện tốc độ đô thị hóa của TP cao, nhu cầu nhà ở rất lớn. Mình để đất nông nghiệp không xây dựng được thì người ta bức xúc, sẵn sàng lấn chiếm tìm cách xây dựng không phép. Nói không phép thì nghe có vẻ lớn nhưng có khi cũng chỉ là cái lều, mái nhà tôn thôi”, ông Tuyến nói.
Để giải quyết căn cơ vấn đề xây dựng không phép, sai phép, theo ông Tuyến, không phải chỉ dừng lại ở khâu xử lý vi phạm, bởi đó chỉ là phần ngọn, mà cần phải tính toán lại vấn đề quy hoạch; những đồ án quy hoạch không còn phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của kinh tế TP thì phải kịp thời điều chỉnh hợp lý, không kéo dài tình trạng “treo” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo dựng nơi ở ổn định.
Dân chỉ cần đăng ký xây dựng
Về thủ tục cấp phép xây dựng, ông Tuyến yêu cầu trong tháng 8.2017, Sở Xây dựng phải triển khai mô hình cấp phép xây dựng “một cửa liên thông” thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Theo đó, cá nhân, tổ chức chỉ cần nộp hồ sơ đúng theo quy định và nhận kết quả tại Sở Xây dựng; thủ tục có liên quan đến các sở ngành khác thì Sở Xây dựng chịu trách nhiệm liên thông giải quyết, giúp người dân không còn phải “ôm hồ sơ chạy lòng vòng nữa”. Trong tháng 10.2017, các quận, huyện phải triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của quận, huyện qua internet, nếu không triển khai thì chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Riêng về giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, ông Tuyến thống nhất chủ trương và giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu thí điểm bỏ thủ tục cấp phép trên địa bàn TP, thay vào đó người dân hoàn thiện hồ sơ, chỉ cần đăng ký xây dựng với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Việc thí điểm chỉ áp dụng đối với những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy định rõ số tầng, chiều cao, lộ giới đường, hẻm, quy mô xây dựng…).
“Những khu vực đã được quy hoạch chi tiết, bài bản rồi thì người dân chỉ cần dựa vào đó mà lập hồ sơ thiết kế, trình cơ quan chức năng thẩm định đạt yêu cầu chất lượng, đúng quy định thì triển khai xây dựng, không nhất thiết phải xin phép nữa để giảm thủ tục, tránh phiền hà, tiêu cực phát sinh”, ông Tuyến nói thêm.
Về chủ trương này, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở QH-KT, cho biết TP hiện có khoảng 92.000 ha đất đô thị, trong đó chỉ khoảng 30.000 ha có quy hoạch tỷ lệ 1/500, và kết quả này phải mất 24 năm mới đạt được. Theo ông Toàn, việc chậm trễ quy hoạch tỷ lệ 1/500 là do cứ 5 năm phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 một lần, vì thế tỷ lệ 1/500 cũng phải được điều chỉnh theo. Tháo gỡ vướng mắc này, ông Tuyến cho biết: “Việc thí điểm theo kiểu “cuốn chiếu”, nơi nào hoàn chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 thì làm trước. TP đồng ý cho Q.7 triển khai thí điểm đầu tiên về việc bỏ cấp phép xây dựng”.
Theo Thanh Niên