Có thêm 9 dự án vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tập trung vào sản xuất, nghiên cứu công nghệ, dịch vụ...
Trong khuôn khổ Hội nghị Đầu tư 2016 diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội, có 9 dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ...
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Các dự án bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ cao cho Trung tâm Giám sát mạng quốc gia; Dự án Khu các trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc Viện Ứng dụng công nghệ; Dự án Trụ sở Chi cục Hải quan Hà Tây; Dự án Nhà máy công nghệ cao SDS; Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu phần mềm thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và giới thiệu sản phẩm HHPD; Dự án Trung tâm Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất cơ khí chính xác; Dự án Nhà máy cơ khí công nghệ cao HTMP; Dự án Đầu tư Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đầu tư 2016, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao trong nước và nước ngoài, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần tiếp tục tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, chuyên nghiệp hóa đội ngũ, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị
Để hỗ trợ cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương cập nhật, điều chỉnh và định hướng các chính sách, văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển của công nghệ.
Đồng thời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thành trung tâm của khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo của khu vực phía Bắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y tế nhằm nắm bắt vận hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như dựa trên những lợi thế của quốc gia về công nghệ thông tin và nông nghiệp.
Về phía UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đang chuyển mạnh cơ cấu công nghiệp sang ưu tiên phát triển công nghệ cao. Vì vậy Khu CNC Hòa Lạc là một địa bàn trọng điểm phát triển công nghệ cao của Thủ đô.
Theo Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội đang nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế ưu đãi đầu tư. Ông cũng khẳng định, các nhà đầu tư đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng các chính sách hỗ trợ của Hà Nội cho phát triển công nghệ cao.
Làng phần mềm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
"Hà Nội sẽ đồng hành cùng Bộ Khoa học Công nghệ để giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là thực hiện một của liên thông về các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư," ông Toản lưu ý./.
Năm 2016 đã đánh dấu bước chuyển mình của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, chuyển sang giai đoạn tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, trở thành một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới.
Đến nay, đã có 78 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 348ha, trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người đang làm việc và học tập trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc./.
Theo VOV