Thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất để giảm giá thành nhà ở

Thứ tư, 26/07/2017, 11:28 GMT+7

Đó là một trong những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đưa ra.

thay-doi-co-che-tinh-tien-su-dung-dat-de-giam-gia-thanh-nha-o
HoREA kiến nghị thay đổi cơ chế tính Tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin-cho" trên thị trường bất động sản. Ảnh Thanh Thịnh

Theo đó, HoREA kiến nghị thay đổi cơ chế tính Tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin-cho" trên thị trường bất động sản với hai phương án sửa đổi cách tính Tiền sử dụng đất.

Thứ nhất, về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “Tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

Để thực hiện được cơ chế này thì Hiệp hội đề nghị bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần" tại điều 113 Luật Đất đai và sửa đổi điều 114 Luật Đất đai theo hướng giao trách nhiệm và toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để đảm bảo thực hiện nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thứ hai, giao cho Sở Tài chính là đầu mối chủ trì toàn bộ công tác thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất, chuẩn bị nội dung trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xem xét quyết định giá đất cụ thể để xác định Tiền sử dụng đất dự án.

Hiệp hội cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố khi thẩm định giá đất dự án của đơn vị mình. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án không nhất trí với phương án giá đất của đơn vị tư vấn đã lập thì có thể đề xuất chọn đơn vị tư vấn khác để lập phương án giá đất, chi phí do chủ đầu tư dự án thanh toán.

Mặt khác, cho phép chủ đầu tư được tham gia và có ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính khi xem xét chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào Tiền sử dụng đất phải nộp. HoREA cho rằng, do Sở Tài chính thường chỉ chấp nhận cho khấu trừ khoảng 20 - 30% chi phí thực tế bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai.

Theo Cafeland