Mới đây, tại Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Mỗi Đảng viên phải cam kết với tổ chức Đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Hoạt động xây dựng sẽ được chấn chỉnh lại từ nay đến tháng 6/2020.
Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6/2020, nếu cán bộ nào không cam kết sẽ phải chuyển công tác khác.
Theo đó, tổ chức Đảng sẽ không được công nhận là trong sạch, vững mạnh khi có cơ quan quản lý Nhà nước nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý và người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Địa phương nào để xảy ra tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý, tổ chức Đảng nơi đó sẽ không được công nhận là trong sạch, vững mạnh, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền sẽ không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh còn yêu cầu, UBND thành phố sớm tổ chức hội nghị “Lập lại trật tự xây dựng trên toàn thành phố” để đánh giá tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thời gian qua (năm 2016 - 2019) nhằm tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp đồng bộ, khả thi, quyết liệt của hệ thống chính trị 3 cấp ở thành phố, tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép mà không bị xử lý đúng pháp luật trước Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện.
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị tổ chức lại lực lượng Thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố. Hoạt động thanh tra, xử lý các sai phạm trong xây dựng trái phép sẽ thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn cùng lực lượng thanh tra và quản lý đô thị.
Đến quý III/2019, TP Hồ Chí Minh sẽ bố trí lại cán bộ, công chức ở phường, xã, thị trấn, quận, huyện có nhiều sai phạm, uy tín thấp.
Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra giải pháp đối với các đối tượng đã xây dựng và môi giới bán công trình xây dựng không phép, sai phép quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua, trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng, mua bán trái pháp luật cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao đã phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân do công tác lập và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các Sở ngành chức năng và các địa phương còn lỏng lẻo, chồng chéo.
Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh tìm các giải pháp ngắn hạn, khả thi, hợp pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng thêm trong các năm 2019 - 2021.
Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Thành ủy giao nhiệm nghiên cứu thêm mô hình nhà ở như nhà cho người nhập cư; các mô hình nhà trọ cho công nhân; xây dựng chuẩn nhà trọ đảm bảo điều kiện sống tối thiểu về điện, nước, vệ sinh môi trường… và hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở có quy mô nhỏ, phân tán để người dân có thể đăng ký chuyển đổi, xây dựng nhà trọ thời hạn 5 - 10 năm phù hợp quy hoạch…