Nhằm lập lại kỷ cương, tăng hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng, thời gian vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành tốt những nhiệm vụ và kế hoạch đề ra. Từ đó nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực bảo đảm trật tự xây dựng, từng bước hạn chế những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện tốt các kế hoạch thanh tra, góp phần làm giảm vi phạm về trật tự xây dựng.
Thực hiện Chương trình kế hoạch công tác năm của UBND TP, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch công tác và ban hành quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có công tác Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được chú trọng hàng đầu.
Cụ thể, lực lượng Thanh tra chuyên ngành đã tập trung thanh tra, kiểm tra chủ yếu trong các lĩnh vực các dự án đầu tư xây dựng do các đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng làm đại diện chủ đầu tư; các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách của các quận, huyện, thị xã.
Trong năm qua, lực lượng Thanh tra chuyên ngành đã thực hiện 8 cuộc thanh tra và tiến hành 92 cuộc kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; Thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình xây dựng; Các thay đổi, bổ sung thiết kế, dự toán; Năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện dự án; Công tác quản lý công trình của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.836 công trình (đạt 100% công trình). Qua đó đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 354 trường hợp có vi phạm chiếm tỷ lệ 3,6%. Trong đó: 72 trường hợp xây dựng không phép; 115 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 162 trường hợp có các vi phạm khác UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 273/354 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 77,11%.
Có thể thấy, việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, qua công tác kiểm tra xác minh các công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi có thông tin phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm các công trình vi phạm. Đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan được giao công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn để xảy ra vi phạm.
Đối với công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được lực lượng Thanh tra chuyên ngành tập trung thực hiện, đa số các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, tránh không để phát sinh những vi phạm nghiêm trọng. Một hoạt động không thể thiếu trong năm qua của lực lượng Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội đó là luôn thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh trên địa bàn.
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn thì việc tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ được lực lượng Thanh tra chuyên ngành đặt lên hàng đầu. Hàng năm các Đoàn Thanh tra chuyên ngành đã được Sở Xây dựng thường xuyên cử cán bộ tham gia theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra TP… Ngoài ra, còn phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Ghi nhận về công tác quản lý trật tự xây dựng tại Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Q.Ba Đình cho biết: Vẫn thiếu chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi cố tình vi phạm, tái vi phạm trật tự xây dựng. Mặc dù Quy định 04 có đề cập đến việc áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng nhưng không quy định biện pháp cụ thể, gây lúng túng khi áp dụng. Mặt khác, quy định cũng đề cập tới một số chế tài xử lý đối với chủ đầu tư xây dựng và các nhà thầu, tuy nhiên căn cứ xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính hiện nay là Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ lại không có các quy định tương ứng.
Ngoài ra, quy trình xử lý, thẩm quyền xử lý đối với một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng (sai cốt xây dựng, sai chỉ giới xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diện tích không gian sử dụng chung…) còn chưa phù hợp với thực tiễn quản lý.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Q.Đống Đa cho biết: Theo quy định tại khoản 2, Điều 16 - Trách nhiệm của chủ đầu tư “Ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng; chấp hành yêu cầu trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư thường cố tình không thực hiện theo yêu cầu của pháp luật, chế tài xử lý còn lỏng lẻo, biện pháp ngăn chặn không rõ ràng nên việc quy định trách nhiệm của chủ đầu tư rất hạn chế, tính khả thi không cao. Vì lẽ đó, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Q.Đống Đa mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền, các cơ quan quản lý nhà nước nên có thêm chế tài bằng mệnh lệnh hành chính, áp dụng biện pháp xử lý đối với nhà thầu thi công hoặc tư vấn giám sát như tước các giấy phép, tước chứng chỉ, nâng cao các mức phạt…
Đội quản lý trật tự xây dựng Q.Hai Bà Trưng chia sẻ: Công tác trật tự xây dựng đã được tập trung chỉ đạo, đã có sự phối hợp xử lý quyết liệt, đồng bộ, tập trung tháo gỡ các vi phạm trật tự xây dựng từ khâu cấp phép xây dựng; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng. Xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được cấp ủy quan tâm, quy trình xử lý rõ ràng hơn, chặt chẽ và quyết liệt hơn. Đồng thời có sự phối hợp xử lý đồng bộ, tập trung tháo gỡ từ khâu cấp phép xây dựng, tăng cường quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, số các công trình vi phạm giảm, đặc biệt là các công trình vi phạm mới được phát hiện kịp thời và tập trung chỉ đạo xử lý sớm không để tồn tại kéo dài, quản lý các tuyến phố mới mở không để tồn tại hiện tượng siêu mỏng, siêu méo.
Thủ đô Hà Nội đang “chuyển mình” để hướng tới xây dựng TP thông minh.
Từ những kết quả đã đạt được, Đội quản lý trật tự xây dựng Q.Hai Bà Trưng tiếp tục xây dựng một số phương hướng, tập trung quản lý chống lấn chiếm đất công, hè đường phố, xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị và trật tự an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường. Và củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng nhiệm vụ yêu cầu công tác được giao; Tăng cường quản lý cán bộ công chức, kiên quyết xử lý trách nhiệm của cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm buông lỏng quản lý để xảy ra các vi phạm mà không kịp thời xử lý.
Có thể thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2019 đã có nhiều bước chuyển mình về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện về diện mạo, xây dựng Thủ đô “Sáng - xanh - sạch - đẹp” hướng đến các tiêu chí đô thị thông minh và hiện đại.