Sở Xây dựng Thanh Hóa thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 1385/SXD-QLN ngày 19/3/2019 xin các bộ, ngành về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất công trình khách sạn 7 tầng (CT1) và công trình khách sạn 16 tầng Grand Hotel (CT2) tại phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ kinh doanh khách sạn sang kinh doanh căn hộ du lịch.
TP Thanh Hóa (Ảnh: Hải Đăng)
Nội dung công văn cũng đã nêu rõ, hai công trình này ít nhất có tới 3 lần điều chỉnh quy hoạch?
Ngày 28/8/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2784/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 một khu đô thị sinh thái. Ngày 30/9/2015, UBND tỉnh phê duyệt quyết định điều chỉnh cục bộ (lần 1) theo Quyết định số 3818/QĐ-UBND nội dung điều chỉnh: Vị trí xây dựng công trình khách sạn 7 tầng được điều chỉnh thành đất resort (tầng cao từ 1 đến 7 tầng). Vị trí xây dựng công trình khách sạn 16 tầng được quy hoạch là đất vui chơi giải trí (tầng cao: 2 tầng).
Ngày 27/10/2016, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt quyết định điều chỉnh cục bộ (lần 2) theo Quyết định số 4185/QĐ-UBND điều chỉnh vị trí xây dựng công trình khách sạn 7 tầng lại được giữ nguyên quy hoạch ban đầu là đất resort, vị trí đất xây dựng công trình khách sạn 16 tầng được điều chỉnh thành đất hỗn hợp (tầng cao: 15 tầng).
Trong quá trình phê duyệt các quyết định điều chỉnh như trên thì công trình khách sạn 7 tầng đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2015. Công trình khách sạn 16 tầng đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2017.
Như vậy, việc điều chỉnh lần 2 đã không có tác dụng vì khách sạn đã xây dựng 16 tầng chứ không phải là đất hỗn hợp cao 15 tầng. Rõ ràng trong việc xây dựng chủ đầu tư đã không tuân thủ theo các quy hoạch điều chỉnh nêu trên, nhưng chính quyền lại không hề xử lý vi phạm, mà tiếp tục cho điều chỉnh cục bộ…
Không những thế, ngày 16/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (lần ba) tại Quyết định số 3007/QĐ-UBND. Theo đó, công trình khách sạn 7 tầng được điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ thuê đất để xây dựng kinh doanh khách sạn du lịch sang giao đất có thu tiền sử dụng đất; mục đích sử dụng đất là đất ở không hình thành đơn vị ở; công trình xây dựng khách sạn 16 tầng được điều chỉnh đất quy hoạch hỗn hợp cao 15 tầng thành đất ở không hình thành đơn vị ở cao 16 tầng.
Hiện nay, công trình khách sạn 7 tầng và công trình khách sạn 16 tầng (Grand Hotel) đã được Sở Tài nguyên & Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với mục đích sử dụng đất là đất thương mại, dịch vụ.
Chưa hết, ngày 3/7/2018, chủ đầu tư có Công văn số 370/BĐTPC đề nghị điều chỉnh các khu đất công trình khách sạn 7 tầng (CT1), công trình khách sạn 16 tầng (CT2) từ đất không hình thành đơn vị ở (condotel) sang đất hỗn hợp (căn hộ chung cư dịch vụ thương mại) để có cơ sở kinh doanh bán sản phẩm căn hộ và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi mua căn hộ được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, thời hạn sử dụng lâu dài.
Nhưng rồi chủ đầu tư lại đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Xây dựng Thanh Hóa kết thúc việc xin điều chỉnh hai hạng mục công trình khách sạn từ đất ở không hình thành đơn vị ở (condotel) sang đất hỗn hợp (căn hộ chung cư dịch vụ thương mại); đồng thời chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất công trình khách sạn 7 tầng (CT1) và công trình khách sạn 16 tầng Grand Hotel (CT2) từ kinh doanh khách sạn sang kinh doanh căn hộ du lịch, người mua căn hộ được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn với đất có thời hạn.
Trước những yêu cầu “kỳ quặc” này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường chấp thuận những đề nghị của doanh nghiệp.
Qua sự việc trên, chưa biết việc xin cho này có thành công hay không nhưng dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Biết rằng Luật Quy hoạch đô thị cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng có điều kiện, xong qua những lần điều chỉnh cục bộ cho hai công trình nêu trên cho thấy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có dấu hiệu lạm dụng quyền trong việc thực hiện thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch được duyệt, thậm chí còn hợp thức hóa những vi phạm trật tự xây dựng do chủ đầu tư vi phạm.
Cứ cho rằng những hành vi “chiều theo ý” của doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu “rải thảm” mời nhà đầu tư, nhưng không vì thế mà nhà đầu tư muốn gì cũng được, muốn điều chỉnh thế nào cũng được để giành được lợi nhuận cao nhất mà phá đi quy hoạch ban đầu đã được nghiên cứu bài bản và phê duyệt cũng như phá hẳn mục tiêu sử dụng đất ban đầu do dự án đề ra? Những việc điều chỉnh quy hoạch thế này thật là khó hiểu. Dự án này đã làm lợi những gì cho nhân dân Thanh Hóa hay chỉ đem lại lợi ích cho một số người?
Nếu doanh nghiệp nào cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa ưu ái như thế này thì các ngành chức năng của tỉnh không biết sẽ cần đến bao nhiêu người để phục vụ theo ý thích của doanh nghiệp. Từ những vấn đề trên, chúng tôi cho rằng UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm xem xét trong việc thực hiện những quyền của mình được pháp luật cho phép, mọi hành vi lạm quyền đều có thể dừng lại khi chưa muộn!