Mặc dù đã được đơn vị quản lý (Cty TNHH MTV Quản lý đường sắt Thanh Hóa) khắc phục, sửa chữa lại sau khi bị sụt lún trước đó, tuy nhiên, đến nay, phần tứ nón phía Nam cầu Hàm Rồng (thuộc địa phận phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) tiếp tục bị sụt lún trở lại.
Mặc dù đã được gia cố kè đá lại nhưng phần tứ nón vẫn tiếp tục sụt lún trở lại
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trận lụt lịch sử hồi tháng 9/2018 đã khiến phần tứ nón (gồm vật liệu đất, đá xây bao quanh mố cầu) phía Nam cầu Hàm Rồng bị sạt trượt xuống sông Mã nghiêm trọng, với phần chân khay tứ nón bị sụt dài 25m, sâu từ 0,7 – 1,2m; vết nứt tứ nón và mái taluy đường bộ đầu cầu kéo dài từ đỉnh tứ nón đến chân khay dài 12,5m, rộng từ 0,5 - 0,6m; giữa tứ nón và mặt bên mố cầu nứt rộng từ 0,5 - 0,6m, dài 13m; đế bảo vệ trước mố khu vực chân khay bị tụt từ 0,5 - 1m, chiều dài 20m, rộng từ 0,3 - 0,6m.
Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị quản lý đã nhanh chóng tiến hành sửa chữa, gia cố tạm phần hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều ngày trở lại đây, phần tứ nón trên tiếp tục bị sụt lún trở lại.
Qua quan sát của phóng viên, tại phần tứ nón trước đó đã được sửa chữa xuất hiện nhiều vết nứt dài, kèm theo đó là hiện tượng sụt lún, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ mố cầu.
Được biết, cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962, cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19/5/1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ôtô và đường dành cho người đi bộ.
Năm 2009, cầu Hàm Rồng được đầu tư sửa chữa lại, đến ngày 21/3/2010, sau hơn 100 ngày tập trung cao độ lực lượng, vật tư, phương tiện sửa chữa, cây cầu anh hùng và huyền thoại Hàm Rồng đã được sửa chữa, chỉnh trang, đón lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được:
Những vết nứt dài từ đỉnh tứ nón đến chân khay.