Mới đây, Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh và các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo đó, tiến độ chung của dự án là đến tháng 5/2019 sẽ cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 9-2019 tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 7/2020 khởi công dự án.
Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị với UBND tỉnh cho thực hiện kế thừa hồ sơ cũ, cụ thể là thu hồi đất trước 4 làn xe theo mốc đã cắm, 2 làn xe tiếp theo sẽ thu hồi đất sau.
Tuy nhiên, các địa phương cũng như sở, ngành liên quan cho rằng phương án này sẽ dẫn đến tình trạng trên cùng một thửa đất, cùng một dự án lại thu hồi 2 lần theo 2 giá khác nhau, người dân sẽ không đồng ý; hồ sơ đã hoàn thành cách đây hơn 3 năm, hiện tại giá bồi thường cũng như hiện trạng đã thay đổi, cần phải làm lại từ đầu.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc giải phóng mặt bằng sẽ làm theo phương án thu hồi đất 1 lần; để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư cần đẩy nhanh công tác bàn giao mốc mặt bằng mới trong quý I/2019; phải chuẩn bị kinh phí để kịp thời chi trả ngay cho dân.
Được biết, kinh phí đền bù của dự án ước tính trên 2 ngàn tỷ đồng, trong đó đoạn qua Đồng Nai chiếm hơn 1.420 tỷ đồng. Hiện Ban QLDA Thăng Long đã đăng ký vốn giải phóng mặt bằng cho 2 địa phương Đồng Nai và Bình Thuận trong năm 2019 là 1.200 tỷ đồng để triển khai công việc.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận vừa cho biết Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 2229/QĐ-BGTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án. Nhà đầu tư đề xuất và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi: Công ty TNHH tập đoàn Bitexco. Chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long. Đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi: Liên danh Tư vấn ALMEC và Tổng công ty TVTK GTVT-CTCP (TEDI); bước rà soát, cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi: Tổng công ty TVTK GTVT-CTCP (TEDI).
Chủ nhiệm lập dự án: Giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi là Kỹ sư Takashi SHOYAMA – Kỹ sư Đoàn Đức Cường; giai đoạn rà soát, cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi là Thạc sỹ Nguyễn Gia Nghiêm.
Quy mô dự án: Điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1 khoảng 2,6km); điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long thành – Dầu Giây tại khoảng Km43+125. Chiều dài tuyến khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài khoảng 47,5km, đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km).
Đường cao tốc xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 120km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng nền đường 25m. Hệ thống công trình cầu gồm 68 cầu, với 18 cầu trên đường cao tốc, 40 cầu vượt trực thông với đường cao tốc, 10 cầu trong nút giao liên thông.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 14.359,696 tỷ đồng. Hình thức đầu tư, loại hợp đồng: đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ