Tăng đầu tư cho hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 15/11/2018, 00:00 GMT+7

Long An là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL; đồng thời là một trong 8 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều kiện địa lý của tỉnh có nhiều thuận lợi: tiếp giáp và có chung đường biên giới với Campuchia, thông qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu quốc gia Mỹ Quỳ Tây và 3 cửa khẩu phụ; có cảng quốc tế Long An với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 30.000 - 50.000DWT.

Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, Long An đã xác định đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong những chương trình trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung huy động nguồn lực

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, để triển khai huy động nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng giao thông nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các chương trình, công trình trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2368/QĐ-UBND.

Theo đó, về quy hoạch, UBND tỉnh đã ban hành và công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; phê duyệt hướng tuyến trục giao thông kết nối huyện Đức Hòa với huyện Bình Chánh (TPHCM); quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 trục quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Long An).

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 khu vực phía Bắc huyện Bến Lức, làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các tuyến đường, góp phần phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư, thương mại, dịch vụ trong khu vực này.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, nhìn chung, việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các tuyến đường đã triển khai thi công khá tốt, ít vướng mắc, được sự đồng tình, thống nhất cao của người dân. Nguồn lực để phát triển các dự án, công trình trọng điểm chủ yếu là từ nguồn ngân sách của tỉnh và kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp. 
 

Dự án ĐT 830 - một trong những công trình trọng điểm đã được Long An đầu tư xây dựng

Theo UBND tỉnh Long An, trong quá trình triển khai huy động nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, do các dự án đầu tư có quy mô lớn, tổng mức đầu tư lớn, dẫn đến xây dựng phương án góp vốn, mức đóng góp, tỷ lệ góp vốn của các doanh nghiệp chưa hợp lý, hài hòa để thuyết phục các doanh nghiệp góp vốn đầu tư.

Chính sách quản lý đầu tư của nhà nước thay đổi, sự thắt chặt đầu tư công, hạn chế nợ đọng, không triển khai thi công công trình khi chưa bố trí kế hoạch vốn và chỉ triển khai thi công trong kế hoạch vốn được bố trí.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quyết liệt trong bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa quyết tâm vận động, thuyết phục người dân chấp hành chủ trương.

Khi phát sinh vướng mắc, hội đồng bồi thường cấp huyện cũng như chủ đầu tư thiếu chủ động đề xuất, xin ý kiến giải quyết của cấp có thẩm quyền; do đó chậm tháo gỡ khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, công tác quản lý đất đai của một vài địa phương chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp cặp đường giao thông, nhưng không lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Do vậy, khi thực hiện công tác bồi thường áp dụng khung giá đất nông nghiệp và không bồi thường nhà; từ đó nhiều hộ dân chưa đồng tình với việc áp giá bồi thường và có hành vi cản trở việc giao đất triển khai các dự án.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An - Đỗ Hữu Lâm, dù còn những khó khăn, thách thức, nhưng thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp quan trọng như: thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương có liên quan để người dân và doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn, đầy đủ; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận… góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chủ trương về xây dựng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đúng tiến độ trong triển khai dự án đầu tư và thực hiện chính sách tái định cư.

Quan tâm củng cố, kiện toàn các hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác kê biên, đền bù cấp huyện, nhất là các công trình xây dựng theo hướng tuyến mới để thực hiện hiệu quả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các ngành, các cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm và có biện pháp chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Chú trọng công tác quyết toán kịp thời các dự án công trình thuộc tất cả các nguồn vốn.

Không dừng lại ở đó, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp; huy động vốn đầu tư thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP); giao khai thác quỹ đất thực hiện nghiêm các điều kiện ràng buộc, cam kết trách nhiệm giữa chính quyền và nhà đầu tư về lộ trình triển khai dự án; kịp thời đôn đốc, xử lý các trường hợp chậm tiến độ theo quy định.

Tích cực phối hợp với TPHCM tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình liên kết giữa hai địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông kết nối quan trọng như: cầu Rạch Dơi, cầu Thầy Cai, ĐT 823... nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình giao thông phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hai địa phương.

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện cơ chế “tập trung đầu mối”, “liên thông” giữa các ngành và địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động, liên thông, kết nối giữa trung tâm hành chính công của tỉnh, huyện để cung cấp hiệu quả các dịch vụ công, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
 
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP

 


diaoconline.vn