Sóng ngầm “săn” nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội

Thứ ba, 31/10/2017, 15:27 GMT+7

Thị trường nhà mặt tiền phố cổ hiện có mức tăng trưởng khá tốt. Các môi giới địa ốc sành sỏi cho biết, từ quý III/2017, nhịp độ mua bán diễn ra khá nhộn nhịp.

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường tăng, trên thực tế không hiếm những nhà đầu tư sẵn sàng “chốt hàng” với giá 30 tỷ đồng/căn.

Cầu tăng, cung khan

Các công ty tư vấn bất động sản (BĐS) tại phố cổ cho biết, lượng khách đến tìm hiểu về nhà mặt tiền khu vực phố cổ tăng đột biến trong đầu tháng 9 vừa qua. Theo đại diện Sàn BĐS thổ cư Trường Hải, tại một số tuyến phố ở phố cổ, giá nhà đất tăng 20-40% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, trong những tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Đào Duy Từ ghi nhận tỷ lệ tăng giá mạnh nhất. Giá đất mặt tiền trên tuyến phố này hồi đầu năm vào khoảng 400 triệu đồng/m2, thì đến nay đã vọt lên gần 600 triệu đồng. Công ty phải ráo tiết bố trí người đi mở rộng quỹ hàng khi nguồn cầu ngày càng cao.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, nhà mặt tiền khu vực phố cổ được chào bán không nhiều. Nguyên nhân rao bán chủ yếu là do gặp khó khăn về tài chính. Nhà phố cổ để ở hay kinh doanh đều mang giá trị thặng dư tốt nên nếu nguồn tài chính chưa cạn, chẳng gia chủ nào rao bán, giới đầu tư có thâm niên phân tích.

Từ một tin rao bán trên mạng, chúng tôi đến một ngôi nhà 2 tầng rộng 80m2 trên phố Huế, mặt tiền 4,2m, hướng Tây, sổ đỏ chính chủ, giá chào bán là 38,2 tỷ đồng. Thương lượng với chủ nhà là chị Thường, chúng tôi trả giá theo khung giá đất được đưa ra bởi UBND TP. Hà Nội (120 triệu đồng/m2). Chị Thường quả quyết: “Khung giá của thành phố chỉ phục vụ đền bù, GPMB thôi. Giá nhà chị là mềm hơn giá thị trường rồi. Nhiều nhà tại đây còn “hét” trên 500 triệu đồng/m2. Gia đình em mua, chị gia lộc cho 50 triệu đồng là kịch giá”.

song-ngam-san-nha-mat-tien-pho-co-ha-noi
Một góc của phố cổ Hà Nội

Giám đốc Sàn BĐS Phú Tài, ông Lê Anh Sơn cho biết, 3 năm trước, cá biệt lắm thì khu phố cổ mới có một giao dịch giá 1 tỷ đồng/m2. Nhưng những giao dịch ở mức này hiện nay đã rất phổ biến: "Trước đây, chỉ có phố Lý Thái Tổ mới giao dịch ở mức đó. Nay, một số tuyến phố lân cận cũng ghi nhận mức giá trên. Đặc biệt phải kể đến phố Bảo Khánh, do vẫn có thể xây dựng được 8-10 tầng nên gần đây được định giá tốt, đặc biệt với những nhà đầu tư muốn kinh doanh khách sạn. Khu vực này mới đây có một giao dịch hàng trăm tỷ đồng chỉ sau một thời gian ngắn rao bán".

Nở rộ mô hình kinh doanh khách sạn

Hoạt động buôn bán tại khu vực phố cổ rất sầm uất nên nơi đây rất phù hợp để đầu tư kinh doanh. Phần lớn những người mua nhà phố cổ là để cho thuê văn phòng, cửa hàng, thậm chí, để có lãi "khủng", nhiều người còn đập nhà cũ để xây khách sạn, building… Riêng tại khu vực phố cổ, mô hình kinh doanh khách sạn được coi là "một vốn, bốn lời" (rủi ro thấp, lượng khách ổn định, đầu tư ngắn hạn, nguồn lợi dài hạn). Các môi giới nhận định, với một khách sạn 5 tầng, quy mô 30 phòng, mặt tiền rộng, tiền lãi hàng tháng lên đến hàng chục triệu đồng.

Ông Thắng, một môi giới nhiều kinh nghiệm tại khu phố cổ nhận định, nhu cầu “săn” nhà mặt tiền phố cổ đang chuyển dịch ra khu vực phố Huế, Lê Đại Hành, Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân… với thanh khoản cao. Vì muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh ngay nên các nhà đầu tư đều ưu tiên chọn những căn nhà, khách sạn đã có sẵn. Trên thực tế, mức giá của những sản phẩm này đều ở mức “khủng”, dao động từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/m2. Dù giá cao nhưng có thời điểm, không có hàng để giới thiệu cho khách do rất ít gia chủ muốn bán.

Đặc biệt tại lõi phố cổ như khu vực Hàng Thiếc, Hàng Khay, Hàng Than…, ông Thắng cho hay, nhà đầu tư thường mua gom để xây khách sạn bởi đất phố cổ thường có diện tích nhỏ (có căn chỉ 5m2). Vì vậy, nếu các chủ hộ đồng ý bán, phải gom sổ đỏ về một nhà, tạo thành mảnh đất có diện tích lớn, chuyển diện tích chung thành 100% diện tích riêng, có tiềm năng kinh doanh, nhà đầu tư mới xuống tiền. Ông Thắng nói: “Tại khu 36 phố phường, người mua thường không lựa chọn để ở. Bởi, hầu hết khách hàng đều có tài chính mạnh. Nhu cầu của họ đòi hỏi cao về không gian, chất lượng sống. Về tiêu chí này, những căn hộ phố cổ gốc không đáp ứng được do diện tích hẹp, không khí bí bách, ngột ngạt. Thích hơn mua gom, đầu tư, sinh lời dòng tiền hơn”.

Xu hướng giao dịch nhà đất phố cổ cuối năm 2017 sẽ vẫn có những đợt sóng ngầm, các chuyên gia nhận định. Do lãi vay ngân hàng khá hấp dẫn, kích thích nhiều nhà đầu tư nên vốn tiền mặt tích lũy sẽ vẫn hướng về đầu tư tại khu vực ven phố cổ. Thị trường này càng thêm nhộn nhịp với sự tham gia của những đại gia địa ốc đến từ Quảng Ninh, Yên Bái, Hải Phòng... với hơn 50% lượng giao dịch. Lượng khách hàng này khá tiềm năng bởi họ có dòng tiền lớn và có nhu cầu ở thực.

Theo Kinh tế & Đô thị Online