Mặc dù nhà cửa dột nát, xuống cấp nhưng nhiều hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn vẫn không thể xây dựng.
Theo phản ánh của người dân, từ năm 1985, huyện Sóc Sơn kêu gọi người dân đi vùng kinh tế mới tại Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân). Thời điểm đó, chính quyền hỗ trợ cho người dân 6 tháng tiền ăn, 1 tạ xi măng. Nhưng những thứ đó chẳng thấm vào đâu vì vùng đất Đồng Đò khi đó chỉ toàn đồi núi khô cằn, hoang vắng, đường đi lối lại cách trở. Vượt qua những đói rét, bệnh tật..., bà con đi khai hoang Đồng Đò vẫn kiên cường bám trụ để sinh sống và lập nghiệp”. Đến bây giờ, người dân đã sinh sống ổn định 34 năm.
Đường vào thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn
Tuy nhiên, mới đây, theo kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội ban hành lại cho rằng, toàn bộ công trình xây dựng tại thôn Minh Tân là vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ theo bản đồ quy hoạch 2008. Đề nghị UBND TP.Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự, xây dựng năm 2017-2018 và củng cố thiết lập hồ sơ những công tỉnh xây dựng từ năm 2006-2018 để xử lý tiếp.
Cùng với đó, chính quyền xã cũng kiên quyết đình chỉ các công trình xây dựng nhà ở của người dân thôn Minh Tân khiến bà con hết sức bức xúc.
Bà Đào Thị Nghiêm (người dân) cho biết, gia đình bà có 7 khẩu, lên vùng kinh tế mới tại Đồng Đò từ năm 1985. Thời điểm đó, rừng chưa có, người dân phát rẫy, trồng rừng. Đến bây giờ, khi con cái trưởng thành, đến tuổi dựng vợ, gả chồng, muốn được xây dựng thêm nhà cửa cho các con ở riêng thì chính quyền ngăn cấm.
“Nhà tôi có 7 người sống chung trong 1 căn nhà rộng vỏn vẹn có 25 m2. Vợ chồng tôi và vợ chồng con trai cùng ngủ trong 1 căn phòng. Hai giường chỉ cách nhau có 1 tấm rèm. Do quá chật trội, tôi phải vay mượn tiền để xây nhà cho con trai trên mảnh đất hợp pháp của gia đình thì cán bộ vào đình chỉ, dọa sẽ cưỡng chế không cho xây dựng. Chúng tôi được cấp đất, cấp rừng hợp pháp, tại sao không cho chúng tôi xây nhà” – bà Nghiêm nói.
Ông Nguyễn Văn Ba (người dân) bức xúc nói, chúng tôi nghe theo tiếng gọi của Đảng, đi vào vùng kinh tế mới để sinh sống được 43 năm. Đến giờ, các cấp chính quyền lại tìm mọi cách để “gạt” người dân ra. Họ cho rằng, chúng tôi nhẩy dù vào thôn Minh Tân, nhà cửa, ruộng vườn xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ là sai hoàn toàn. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị lên các cấp cao hơn để đòi lại công bằng cho mình.
Ông Nguyễn Đình Cường – trưởng thôn Minh Tân cho rằng, việc Thanh tra Thành phố ra kết luận thôn Minh Tân nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ 2008 đã dẫn tới hệ lụy là mọi trường xây dựng, cải tạo nhà cửa sẽ bị Thanh tra xây dựng lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, trong tháng 3, đã có 3 hộ dân Minh Tân xây dựng nhà bị lập biên bản. Đó là hộ gia đình ông Nguyễn Quang Trì ở đội 1; ông Nguyễn Văn Điểm – đội 2; ông Nguyễn Văn Đương – đội 2. Đây là các hộ gia đình đã xây nhà trên đất của cha ông ở từ khi đi xây dựng khu kinh tế mới.
Theo ông Cường, tại thời điểm làm việc với đoàn thanh tra thành phố, người dân đã cung cấp rất nhiều tạo liệu chứng minh thôn Minh Tân là thôn đặc thù, người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của thành phố từ năm 1985 “người có trước, rừng có sau”, qua 34 năm do việc thiếu trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa quy hoạch khu dân cư, chưa đo đạc bản đồ địa chính, các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ổn định trước ngày 15/10/1993 và trước quy hoạch rừng.
Lý giải về việc đình chỉ xây dựng nhà ở đối với người dân, ông Dương Văn Nhuận – Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, nhiều hộ dân thôn Minh Tân đã xây dựng nhà ở từ rất lâu, bây giờ nhà cửa xuống cấp thì việc xây dựng nhà mới là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, sau khi thanh tra thành phố làm việc, huyện yêu cầu chính quyền xã dừng không cho người dân xây dựng. Việc này đã dẫn đến những khó khăn nhất định.
“Tôi lo ngại nếu quyết định này được thực hiện trong một thời gian dài sẽ gây ra những bất ổn đối với cuộc sống của người dân”- ông Nhuận nhấn mạnh.