Ngày 18/4, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng tổ đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 tại quận Hà Đông, lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh những bất cập trong quản lý nhà chung cư như quản lý quỹ bảo trì; mâu thuẫn giữa Ban quản trị nhà chung cư với chủ đầu tư và với chính cư dân.
Năm 2018, Hà Nội có hơn 100 chung cư xảy ra tranh chấp. Ảnh: Hoài Thu. |
Trả lời cử tri, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hoà cho biết bà đã xử lý rất nhiều đơn của các ban quản trị nhà chung cư về hàng loạt vấn đề, trong đó có quản lý sử dụng quỹ bảo trì. Quỹ bảo trì ở nhiều chung cư lên tới hàng trăm tỷ đồng nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Hà Đông có 74 dự án nhà chung cư và từ năm 2016 đến nay đã thành lập được 64 Ban quản trị, 58 dự án hoàn thành bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho hay hành lang pháp lý về quản lý nhà chung cư đã được cấp thẩm quyền xây dựng, ban hành nhưng không pháp luật nào giải quyết được hết các mâu thuẫn phát sinh trong thực tế. Do đó cần sự trao đổi, thấu hiểu giữa các cư dân và giữa cư dân với chủ đầu tư.
Năm 2018 thành phố đã tổ chức thanh tra 75 dự án chung cư có mâu thuẫn và đã xử lý các trường hợp có vi phạm. Sở cũng đã công khai 12 đơn vị vi phạm quy định quản lý nhà chung cư. Những đơn vị này sẽ không được thành phố giao dự án mới.
Theo ông Dũng, trước những vấn đề nảy sinh trong quản lý nhà chung cư, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra toàn diện công tác này trên cả nước. Dự kiến ngày 22/4 sẽ có phiên giải trình về quản lý nhà chung cư, hai thành phố Hà Nội và TP HCM cũng tham gia.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hà Đông. Ảnh: Võ Hải. |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Chủ tịch HĐND Hà Nội) cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức tiếp xúc chuyên đề về quản lý nhà chung cư và cũng là đơn vị đầu tiên kiến nghị với trung ương về các nghị định, thông tư liên quan đến quản lý chung cư nên việc quản lý và thành lập ban quản trị chung cư đã có chuyển biến.
Cho rằng quản lý chung cư là vấn đề khó không thể làm tốt ngay trong ngày một ngày hai mà cần có quá trình, bà Ngọc đề nghị người dân khi đến ở chung cư phải có nhận thức, thái độ, văn hoá chung cư vì không có quy định nào điều chỉnh được thói quen sinh hoạt, mà là trách nhiệm mỗi cá nhân.
"Tránh việc mang lối sống, nếp sống làng xã đến ở chung cư như mang cả lò than ra đốt dưới chung cư hay bán phở giữa chung cư", Chủ tịch HĐND Hà Nội nói.
Hà Nội hiện có khoảng 700 (cụm, toà) nhà chung cư đã đưa vào sử dụng với khoảng 180.000 căn hộ.
Cử tri đề nghị không "kiểm duyệt" nội dung phát biểu
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đào Văn Phê đề nghị không nên xem trước nội dung phát biểu của cử tri trước buổi tiếp xúc. "Chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm trước đảng, trước pháp luật nên đừng yêu cầu chúng tôi phải thông qua đề cương và nội dung phát biểu", ông Phê nói.
Ông Phê cũng đề nghị việc tiếp xúc cử tri nên thông báo rộng rãi để mọi cử tri và người dân được biết để đăng ký tham dự, phát biểu chứ "không nên phân bổ số lượng cử tri cho từng tổ dân phố".
Không trả lời trực tiếp vào ý kiến trên, nhưng Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng những ý kiến được lên đề cương, chuẩn bị trước sẽ đúng và hiệu quả hơn. Nếu không chuẩn bị trước, có khi những ý kiến đó lại thuộc thẩm quyền giải quyết của phường, quận.
Cũng theo bà Ngọc, lịch tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu Quốc hội, HĐND đều được công khai trên các phương tiện thông tin trước mỗi kỳ tiếp xúc. Ngoài những cử tri được mời, nhân dân có nguyện vọng đến tham dự và đăng ký phát biểu, "không ai ngăn cản".