Sân bay Long Thành : Đường chờ... sân bay

Thứ tư, 09/10/2019, 00:00 GMT+7

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đề xuất đưa 2 tuyến đường kết nối số 1 và số 2 với Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án giai đoạn 1.

Báo cáo Nghiên cứu khả thi của dự án sân bay Long Thành vẫn đang chờ phê duyệt

Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không VN và tỉnh Đồng Nai đang muốn đẩy nhanh việc triển khai 2 tuyến đường kết nối trực tiếp vào dự án sân bay Long Thành, dù báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

4.700 tỉ đồng cho 2 đường kết nối

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đề xuất đưa 2 tuyến đường kết nối số 1 và số 2 với Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án giai đoạn 1. Theo đó, 2 tuyến đường huyết mạch kết nối với dự án sân bay bao gồm: tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành (dài 3,8 km), đây là tuyến đường liên thông kết nối trực tiếp với đường trục ra vào sân bay. Tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài 12,5 km.

Ngoài ra, tuyến số 3 kết nối trực tiếp từ phía sau sân bay Long Thành (phía đông) nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được ACV kiến nghị chưa cần đầu tư ngay trong giai đoạn 1 mà đưa vào giai đoạn 2 thực hiện.

Đơn vị tư vấn và ACV cũng đề xuất hệ thống giao thông đường sắt kết nối với sân bay Long Thành, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (được quy hoạch trên đường trục chính của sân bay, chiều dài tuyến từ TP.HCM đến trục chính sân bay dài 33 km), tuyến đường sắt nhẹ vận chuyển khách từ ga Thủ Thiêm - sân bay Long Thành dài khoảng 37 km, đi trên cao. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt kết nối với sân bay Long Thành chỉ được đầu tư xây dựng khi có nhu cầu.

Với riêng tuyến số 1, số 2, ACV cho rằng đây là 2 tuyến đường quan trọng của dự án, cần phải triển khai sớm để có đường vào xây dựng sân bay. Theo kiến nghị, ACV là đơn vị được giao làm chủ đầu tư 2 tuyến đường này với tổng vốn xây dựng khoảng 4.700 tỉ đồng. Nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 tuyến đường này sẽ lấy từ vốn của ACV để thực hiện, không liên quan đến phần vốn Quốc hội giao cho Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng sân bay.

Theo ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, hiện Sở đang thực hiện các thủ tục đấu thầu tư vấn, lựa chọn đơn vị cắm mốc quy hoạch 2 tuyến đường số 1 và số 2, dự kiến trong năm nay sẽ thực hiện xong cắm mốc quy hoạch. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng 2 tuyến này phải chờ thủ tục thu hồi đất, chỉ thực hiện khi dự án xây dựng sân bay được Chính phủ phê duyệt. Theo quy định, khi báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng sân bay được Chính phủ phê duyệt mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Lo quy hoạch manh mún

TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng với quy mô phục vụ 100 triệu hành khách/năm, ước tính cần khoảng 100.000 nhân viên làm việc hằng ngày tại sân bay Long Thành. Vì thế, ngoài việc tính toán xây dựng hệ thống giao thông cho lực lượng nhân viên “khủng” từ TP.HCM hay các tỉnh, thành khác hằng ngày đi/về, cần tính đến chuyện hình thành các khu đô thị ở gần đó. Muốn như vậy, điều kiện cần chính là các tuyến đường kết nối.

Tuy nhiên, mạng lưới đường kết nối sân bay với các tỉnh, thành cần phải đặt trong tổng thể xây dựng sân bay, quy hoạch đô thị lân cận và cần phải được công khai lấy ý kiến phản biện rộng rãi trước khi trình Quốc hội xem xét. Không ai nói trước được bao giờ sân bay Long Thành có thể về đích. Nếu xây dựng đường kết nối trước mà chưa có sân bay thì các tuyến đường này cũng không phát huy được hiệu quả.

"Ngân sách không đủ, phương án khả dĩ nhất là huy động nguồn vốn từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng đường không có người đi, suất sinh lời kém, rủi ro cao nên chắc chắn doanh nghiệp không mặn mà. Các dự án sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn, không có nhà đầu tư, chỉ định thầu nhưng không đủ cơ sở và rồi lại tiếp tục chậm trễ", ông Hùng cảnh báo và cho rằng, các công trình trọng điểm quốc gia không thể làm vội vã. Nếu chỉ vì chạy theo tiến độ, vịn vào cớ cấp bách để chỉ định thầu cho 1 - 2 doanh nghiệp làm thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như tiêu cực, giá thành tăng cao vì không có cạnh tranh...

Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn khuyến cáo: “Toàn bộ quy hoạch tổng thể của Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần được tích hợp lại trong 1 bộ hồ sơ, trình Quốc hội thông qua 1 lần duy nhất. Không thể lúc trình xin chủ trương làm sân bay, lúc lại xin chủ trương làm đường kết nối hay quy hoạch đô thị. Cái dở của các dự án tại VN là tách ra thành từng mảnh nhỏ, manh mún dẫn đến tình trạng bến cảng, sân bay làm xong lại tắc vì không có đường kết nối. Cũng vì tư duy cục bộ nên các dự án mới chồng chéo, thủ tục vướng chỗ nọ, tắc chỗ kia. Cứ hoàn thiện quy hoạch tổng thể, Quốc hội thông qua rồi thì muốn làm đường nào trước, đường nào sau cũng được”.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên

 


diaoconline.vn