Với mục đích giải quyết cấp bách ùn tắc giao thông, Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án dự kiến triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), trong đó, được chủ động quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn theo quy định.
Muốn tự chọn nhà đầu tư BOT
Cuối tuần qua, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT, Hà Nội đã đề nghị cơ chế đặc thù để cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Theo UBND TP Hà Nội, cuối năm 2016 HĐND TP có nghị quyết về các dự án đầu tư trung hạn (giai đoạn 2016 đến 2020), trong đó có 3 công trình giao thông dự kiến đầu tư theo hình thức BOT. Cụ thể: Dự án cầu Thượng Cát với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng; Dự án đường vành đai 4 (từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) mức đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; Dự án cầu sông Đuống 2 và đường nối đến địa phận Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của đại diện thành phố Hà Nội, nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục như nghiên cứu, lập, trình phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng…, sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong giải quyết ùn tắc giao thông của thành phố. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù với các dự án BOT; được chủ động quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn theo quy định của luật; đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư được lựa chọn, sớm triển khai đầu tư và đưa công trình vào sử dụng.
Không để xảy ra mua bán dự án
Trước đó (ngày 19/7), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có thông báo kết luận số 1785/QĐ-TTCP về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại địa bàn Hà Nội.
Kết luận cho rằng, các dự án trong hai lĩnh vực giao thông và môi trường ở Hà Nội bộc lộ nhiều khuyết điểm, vi phạm. Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định. Từ đó các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu. “Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết nhưng UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết…”, kết luận TTCP nêu rõ.
Trao đổi với PV, một cán bộ có trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội cho hay, 3 dự án về công trình giao thông dự kiến đầu tư theo hình thức BOT được UBND TP Hà Nội kiến nghị cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên đã được HĐND TP thông qua và đã ban hành Nghị quyết rõ ràng. “Đối với Hà Nội, thành phố cần những chính sách đặc thù để triển khai các dự án hạ tầng đô thị, giải quyết nạn ùn tắc giao thông hiện nay. Bởi ngoài cơ chế, quy trình thủ tục đầu tư, thì các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT có ưu điểm đã huy động được nguồn vốn đầu tư xã hội, bù cho sự thiếu hụt ngân sách hiện nay để phát triển hạ tầng”, vị này phân tích.
Trả lời câu hỏi xung quanh kết luận của TTCP về những sai phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường ở Hà Nội, vị này cho hay: “Trong kết luận của TTCP cũng đã chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của các dự án được đầu tư theo các hình thức BT, BOT. Đây là những dự án trong giai đoạn từ 2008-2012. Trước đó, thành phố cũng đã có rà soát, kiểm tra làm rõ. Tôi nghĩ thành phố sẽ phải thực hiện nghiêm những gì mà kết luận của TTCP kiến nghị”, vị này nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế những sai phạm trong các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT của Hà Nội, hiện nay, các cơ quan tham mưu của thành phố như Sở Kế hoạch & Đầu tư phải công bố rộng rãi các dự án đầu tư theo quy định. Đồng thời nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định và trình phê duyệt đề xuất dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Khi thẩm tra, trình duyệt các thủ tục liên quan phải xác định rõ cân đối nguồn lực để thu hồi vốn đầu tư công trình BT, đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, phù hợp giữa tổng vốn đầu tư công trình BT và giá trị quỹ đất đối ứng trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ của lô đất theo quy hoạch...
Theo Tiền Phong