Quốc hội yêu cầu kiến trúc đô thị 'không được tác động xấu tới thị giác'

Thứ năm, 13/06/2019, 15:47 GMT+7

Chiều 13/6, hơn 88,6% đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua Luật Kiến trúc. 

Theo Luật này, kiến trúc đô thị phải đáp ứng nhiều yêu cầu, như: "Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình; sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khoẻ con người, môi trường và an toàn giao thông...

Luật nêu rõ, công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV trong phiên họp toàn thể tại kỳ họp thứ 7. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Quốc hội khóa XIV trong phiên họp toàn thể tại kỳ họp thứ 7. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đối với một số công trình quan trọng, Thủ tướng sẽ thành lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc, gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.

Một điểm mới được Luật quy định là thi tuyển phương án kiến trúc đối với các công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp 1; nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương... 

Người có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ quyết định hình thức thi tuyển phương án kiến trúc, quyết định thành lập hội đồng thi tuyển; chi phí thi tuyển được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

Luật cũng quy định chế tài bảo vệ những công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Theo đó, hàng năm, UBND cấp tỉnh rà soát, đánh giá, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để quản lý. Danh mục này được lấy ý kiến hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi phê duyệt.

Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục trên được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình; có nghĩa vụ bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác; không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình.

Ngoài ra, khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn, chủ sở hữu cần thông báo kịp thời chính quyền địa phương.

Ngày 27/4 hằng năm được lấy là ngày Kiến trúc Việt Nam. Luật gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.


vnexpress.net