Quảng Trị: Bảo trì đường bộ - Còn đó bao nỗi trăn trở

Chủ nhật, 24/03/2019, 19:39 GMT+7

Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều từ thiên tai. Có lẽ từ đặc thù ấy, năm 2014, Ban quản lý dự án bảo trì giao thông được thành lập nay là Ban quản lý, bảo trì giao thông trực thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Trị.


Đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 9, đi cảng Cửa Việt do Ban quản lý, bảo trì giao thông đảm nhiệm bảo trì.

Phải khẳng định rằng, từ sau khi Ban quản lý, bảo trì giao thông ra đời cho đến nay, hiện trạng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng được cải thiện, nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bao nỗi âu lo canh cánh bên lòng của những người làm công tác bảo trì cũng như người dân, bởi còn có nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp nhưng vẫn chưa được sửa chữa, bảo trì kịp thời do hạn hẹp về nguồn vốn.

Ban quản lý, bảo trì giao thông là đơn vị được giao quản lý cơ bản về hệ thống đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh, gồm hơn 126km/05 quốc lộ; 253km/19 đường tỉnh; 48km đường nội TP Đông Hà và đường nội thị xã Quảng Trị.

Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được bảo trì bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương, Quỹ BTĐB địa phương và nguồn vốn ngân sách tỉnh dùng thực hiện nhiệm vụ bảo trì quốc lộ, đường tỉnh do Sở GTVT giao ủy quyền quản lý.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Ban quản lý, bảo trì giao thông đã tích cực, chủ động cùng Sở GTVT, UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT điều chuyển hơn 77km đường địa phương lên thành quốc lộ.

Nhờ đó, tận dụng được nguồn kinh phí bảo trì của Trung ương vào công tác quản lý, bảo trì trên các tuyến nhằm kéo dài tuổi thọ khai thác công trình; đồng thời giảm gánh nặng cho Quỹ bảo trì địa phương để có điều kiện bảo trì các tuyến đường địa phương khác.

Hàng năm, ngoài việc phân chia 35% từ nguồn thu phí theo quy định cho Quỹ BTĐB địa phương, Ban đã kịp thời tham mưu cho Sở GTVT, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Quỹ BTĐB Trung ương, Bộ GTVT hỗ trợ thêm cho tỉnh Quảng Trị nguồn kinh phí bổ sung để sửa chữa hệ thống đường địa phương, khắc phục hậu quả do bão lụt và đảm bảo giao thông với kinh phí từ 15 - 20 tỷ đồng/năm.

Từ những động thái này, nên hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh nhà đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều tuyến đường dường như được “thay áo mới”, không những tạo thuận lợi cho giao thông đi lại mà còn làm bộ mặt đô thị thêm phần khang trang, sáng sủa hơn.

Không ít những tuyến đường được mở rộng thêm mặt đường, được nâng cấp thông thoáng, như tuyến QL9 đoạn cảng Cửa Việt đi QL1 được đầu tư gia cố lề mặt đường bê tông nhựa (BTN) từ 6,0m lên 11,0m từ nguồn vốn Quỹ BTĐB Trung ương.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối QL1A với cảng Cửa Việt, từ khi được nâng cấp mở rộng, đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người và phương tiện giao thông trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Tuyến đường Trần Phú qua địa bàn TP Đông Hà, trước kia chỉ là tuyến đường đất cấp phối, sau khi được đầu tư sửa chữa, mặt đường BTN từ nguồn Quỹ BTĐB địa phương đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng nhân dân trong khu vực, góp phần thay đổi bộ mặt TP Đông Hà. Tuyến đường tỉnh 578 nối QL1A tại xã Gio Quang đến đường Hồ Chí Minh dài 11,6km trước đây mặt đường đất cấp phối, vào mùa mưa lầy lội, mùa hè bụi mù ảnh hưởng đến đi lại cũng như đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, sau khi được đầu tư sửa chữa thảm BTN mặt đường rộng 6m đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông an toàn, đời sống kinh tế - xã hội nhân dân được nâng lên.

Tuyến đường Trần Hưng Đạo - thị xã Quảng Trị dài 1,8km được sửa chữa thảm BTN kịp thời phục vụ Lễ kỷ niệm 70 ngày thương binh liệt sỹ, tạo không khí phấn khởi trong cán bộ nhân dân thị xã.

Nhiều tuyến đường quốc lộ ủy thác, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, xã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn BTĐB Trung ương, địa phương góp phần thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Công tác BTĐB không những làm tăng thêm “tuổi thọ” trên mỗi con đường, làm cho bộ mặt từ thị thành đến nông thôn hay miền núi có những đổi thay, khang trang rõ rệt, mà đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người và phương tiện, giảm thiểu đáng kể về tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, với Quảng Trị là một tỉnh chịu nhiều tác động bất thuận từ thiên tai, nên hàng năm nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi đó nguồn vốn bố trí BTĐB chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

Chính vì vậy mà hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Như tuyến đường tỉnh 587 từ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đi xã Ba Nang dài 22,5km mới được nhựa hóa 10,0km, đoạn còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, mặt đường đất, cấp phối hư hỏng gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Được biết, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ vốn từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2018 để thực hiện dự án nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Tuyến đường tỉnh 588a dài 19km từ thị trấn KrôngKlang, huyện Đakrông đi xã Hải Phúc: Mặt đường láng nhựa rộng 3,5m chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông...

Những tuyến đường đã được đầu tư và đưa vào hoạt động nhưng không được bảo trì kịp thời, nhất là sau những đợt thiên tai bão lũ đi qua chắc chắn sẽ bị hư hỏng nhiều hơn, làm giảm tuổi thọ công trình. Nếu không được đầu tư, sửa chữa, bảo trì theo đúng thời gian quy định thì tin chắc rằng không bao lâu nữa những tuyến đường này sẽ rơi vào tình trạng xuống cấp, phải đầu tư xây dựng cơ bản tốn rất nhiều kinh phí. Đây có lẽ là nỗi trăn trở không riêng ai, nhất là những người dân định cư trên những tuyến đường này.


Hữu Tiến / baoxaydung.com.vn