Quảng Ngãi cảnh báo chủ đầu tư chậm giải quyết vướng mắc cao tốc

Chủ nhật, 07/10/2018, 00:00 GMT+7

Cho rằng VEC không phối hợp giải quyết vướng mắc sau thông xe cao tốc, Quảng Ngãi cảnh báo Bộ Giao thông khả năng người dân chặn đường.

Trao đổi với VnExpress hôm 6/10, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết lãnh đạo VEC sẽ sớm họp với UBND Quảng Ngãi để giải quyết vướng mắc của người dân.

Trước đó, đầu tháng 10, UBND Quảng Ngãi gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông chỉ đạo VEC phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (đơn vị được tỉnh giao làm cầu nối) giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án đường cao tốc.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Linh.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Linh.

"UBND tỉnh Quảng Ngãi không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người dân cản trở giao thông trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến việc chậm phối hợp giải quyết của VEC", lãnh đạo tỉnh cảnh báo.

Ông Đỗ Vũ Bảo - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dự công trình giao thông Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo Ban đề nghị VEC giải quyết để trả lời cử tri trong kỳ họp HĐND sắp tới.

Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, Ban đã gửi ít nhất 3 công văn đến VEC song không được phản hồi, dù đã cảnh báo trường hợp người dân bức xúc chặn đường, gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, sau khi cao tốc thông xe dịp Quốc khánh vừa qua, chủ đầu tư không phối hợp với Ban. "Nói mãi không hiệu quả nên chúng tôi báo lên tỉnh", ông Bảo nói và cho biết Ban cũng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua tỉnh Quảng Ngãi 40 km. Địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, còn lại do VEC tổ chức thi công. 

Theo ông Bảo, quá trình thi công, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Thứ nhất là hàng trăm nhà dân bị nứt. Thứ hai là ruộng ngập úng không canh tác được. Thứ ba là đường dân sinh gần đường cao tốc, hiện người dân không đi lại được hoặc đi lại khó khăn.

Về việc nhà dân bị nứt, theo báo của huyện Sơn Tịnh, đơn vị bảo hiểm đã kiểm tra và bồi thường cho hơn 200 hộ. Nhưng hiện địa phương vẫn tiếp tục nhận đơn kiến nghị, phản ánh của gần 200 hộ.

Cột một nhà hai tầng bị nứt gần đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh.

Cột một nhà hai tầng bị nứt gần đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh.

Tại huyện Bình Sơn, hơn 4,5 ha ruộng bị cô lập; không có nước tưới; ngập úng, nhiễm phèn; sa bồi, thủy phá. Người dân đề nghị thu hồi, bồi thường.

Việc xây dựng đường cao tốc đã làm nhiều khu vực không có đường đi, đường vận chuyển nông lâm sản. VEC đã đầu tư một số tuyến nhưng chưa giải quyết hết các vị trí thiết yếu. Hiện, UBND các huyện kiến nghị đầu tư khoảng 7.500 m đường gom, đường dân sinh hai bên tuyến cao tốc nhưng VEC chưa có ý kiến phản hồi. 

Các tuyến đường phục vụ thi công dự án bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Song đến nay, nhiều tuyến chưa được trả cho địa phương.

"Những tồn tại này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là khi mùa mưa lũ đang đến gần", ông Đỗ Vũ Bảo nhấn mạnh. Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dự công trình giao thông Quảng Ngãi giải thích thêm, Ban Quản lý cảnh báo VEC về khả năng người dân chặn cao tốc vì sự việc tương tự từng xảy ra ở cao tốc khác.

Chủ đầu tư thừa nhận phối hợp chưa tốt

Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi cho rằng phía VEC có làm việc trực tiếp với các huyện về những vướng mắc này.

"Công văn qua lại mà không ngồi với nhau thì khó làm rõ vấn đề, nên đâu đó vẫn còn khúc mắc. Một số vấn đề liên quan đến khung chính sách bồi thường thì không thuộc thẩm quyền của VEC nên VEC không trả lời được hoặc trả lời không rõ nghĩa", ông Thành nói và thừa nhận sự phối hợp giữa các bên chưa tốt.

Ông Thành cho biết trước dự án đã bồi thường cho 1.200 hộ nứt nhà ở Quảng Ngãi. Về những phản ánh mới phát sinh, chủ đầu tư đã kiểm tra và đang lên phương án đền bù cho 12 hộ. "Những hộ còn lại nằm ngoài vệt ảnh hưởng 50 m hoặc thuộc diện giải tỏa đền bù", ông nói.

Về diện tích lúa bị ảnh hưởng, Bộ Giao thông có ý kiến cho rằng nên chuyển đổi mục đích sử dụng với các vị trí diện tích lớn. Còn vị trí nhỏ lẻ thì có thể được thu hồi, bồi thường hoặc gia cố dòng chảy, kênh mương. 

Riêng các tuyến đường dân sinh, đại diện VEC cho hay quan điểm của chủ đầu tư là chấp thuận theo yêu cầu của địa phương, nhưng quyết định cuối cùng là của Bộ.

Ông Thành cũng cho biết sẽ trả lại hơn 10 tuyến đường mượn để thi công cao tốc cho địa phương trong tháng 10. Một số tuyến đường đã trả lại với chất lượng bằng hoặc tốt hơn cũ, một số tuyến đã chấp thuận bản vẽ thi công. "Thời gian kết thúc thi công mới tháng 7 nên chúng tôi cần thời gian để trả các tuyến", đại diện chủ đầu tư phân trần.

Quảng Ngãi cảnh báo chủ đầu tư cao tốc lơ vướng mắc của dân - 2

Đồng Bàu Sen ở huyện Bình Sơn không thể trồng lúa do ngập úng 3 năm qua. Ảnh: Hải Yến.

Liên quan đến sự việc, Bộ Giao thông đã có công văn yêu cầu VEC "nghiêm túc xem xét, xử lý dứt điểm" các đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương khác dự án đi qua, hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án trong tháng 10. 

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng, dài 139 km. Cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường hơn 24 m. Quốc khánh 2/9 vừa qua, cao tốc thông xe sau 5 năm thi công, giúp quãng đường từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi chỉ còn hơn một giờ, rút ngắn được hai giờ so với đi trên Quốc lộ 1A.


vnexpress.net