Năm 2019 là năm bản lề, có tính chất nước rút trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tại Quảng Bình, hiện nay các huyện, thị đã tiến hành rà soát toàn bộ lộ trình triển khai chương trình và tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Một góc thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy hiện nay.
Hơn 8 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự nỗ lực của Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân toàn tỉnh Quảng Bình đã chung sức, đồng lòng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và thu được nhiều kết quả.
Tính đến cuối năm 2018, địa phương này có 62 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 45,6% số xã) với 2.072 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm trên 79%; 89,1% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ phòng học văn hóa được kiên cố hóa đạt 76,45%. Trên cơ sở đó, với mục tiêu phát triển NTM bền vững theo chiều sâu, xác định xây dựng NTM với việc nâng cao các tiêu chí và xây dựng NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Một số xã đạt chuẩn NTM tại các địa phương trong tỉnh đã bước đầu hướng tới xây dựng mô hình này.
Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy từng chia sẻ với báo chí: Để đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu, huyện Lệ Thủy đã chọn ngày thứ 7 của tuần thứ nhất và tuần thứ ba hàng tháng để làm ngày NTM. Cụ thể, vào ngày này, tất cả cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn cùng bà con nhân dân địa phương sẽ triển khai nhiều hoạt động như dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm; khai quang cây bụi, hệ thống thoát nước; xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, trồng và chăm sóc hoa dọc các trục đường giao thông…
Trong năm 2019 này, huyện Lệ Thủy sẽ tập trung chỉ đạo đối với các Hợp tác xã kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu triển khai đồng bộ theo các tiêu chí đã ban hành. Đồng thời, sẽ trích ngân sách gần 05 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất theo giá trị và 02 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các mô hình mẫu nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng xã NTM nâng cao trong thời gian tới.
Hay như tại huyện Bố Trạch, sau gần 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện có 12/28 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, so với bộ tiêu chí mới, huyện này có 03 xã bị sụt giảm một số tiêu chí như Hoàn Trạch, Hải Trạch và Đức Trạch. Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bố Trạch đã xây dựng kế hoạch để chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM trước năm 2017 tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo bộ tiêu chí mới. Cùng lúc, văn phòng điều phối NTM huyện cũng có hướng dẫn về việc triển khai tiêu chí “Vườn mẫu NTM” và “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” để các xã, thị trấn thực hiện.
Thông tin từ UBND huyện Bố Trạch được biết: Mặc dù, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho chương trình còn hạn chế, bộ tiêu chí mới ban hành ở mức độ cao và khó hơn nhưng các địa phương đã nỗ lực thực hiện, nên trong năm 2018 số tiêu chí đạt được bình quân trên mỗi xã là 15,29 tiêu chí; có 07 xã đạt chuẩn NTM trước năm 2017 đã đáp ứng bộ tiêu chí mới. Bức tranh nông thôn trên toàn huyện ngày càng khang trang, hiện đại. Với việc chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và xây dựng rồi đưa vào thực hiện 14 chuỗi liên kết sản xuất tại các địa phương nên thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng, đạt 39,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,61%; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Công tác làm đường giao thông nông thôn tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Năm 2019 được huyện Bố Trạch xác định là năm “nước rút” trong công cuộc xây dựng NTM. Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 02 xã về đích NTM gồm Nam Trạch, Hòa Trạch và không có xã nào tăng tiêu chí. Đến năm 2020, có 17 xã đạt tiêu chuẩn NTM (59%), bình quân mỗi xã đạt 16,5 tiêu chí. Do vậy, huyện Bố Trạch sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn như đường giao thông, thủy lợi, trường học; đồng thời, tích cực vận động cá nhân, tổ chức, con em xa quê và nhân dân tham gia đóng góp bằng ngày công, đất đai, vật tư, hiện vật và tiền mặt.
Như vậy, tại Quảng Bình, năm 2019, bên cạnh 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM, còn có 6 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và hỗ trợ xây dựng điểm 1 xã NTM kiểu mẫu. Với 62 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đây là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai xây dựng chương trình theo chiều sâu.