Quảng Bình: Lý giải nguyên nhân gây sập mái hiên bê-tông khiến 2 người thương vong

Thứ ba, 02/04/2019, 19:56 GMT+7

Thời gian qua, nhiều sự cố công trình liên quan đến sập giàn giáo đã xảy ra cảnh báo về vấn đề an toàn lao động. Điểm chung nhất sau tai nạn là vấn đề thương vong của người lao động, sự chậm chạp trong việc báo cáo hiện trạng sự cố từ chủ đầu tư và địa phương. Cùng đi tìm lời giải về nguyên nhân của những tai nạn đáng tiếc này.

Nơi xảy ra sự cố và vị trí nạn nhân bị tử vong.

Giàn giáo oằn lún

Vào 11h30 ngày 30/3, tại Quảng Bình đã xảy ra sự cố công trình nghiêm trọng, xuất phát từ việc giàn giáo bị oằn lún khi đổ bê-tông khiến 1 người chết và 1 người bị thương.

Trả lời Báo điện tử Xây dựng về sự cố này, ông Nguyễn Quốc Tăng - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Đồng Hới phân tích: “Bất cứ sự cố nào xảy ra đều xuất hiện dấu hiệu trước đó. Người chỉ huy trực tiếp công trường nếu không phát hiện được phải thận trọng tiếp nhận và xem xét khi có phản ánh, dù là nhỏ.

Từ thiết kế đến gia công, lắp đặt rồi di chuyển giàn giáo qua các khối thi công là một câu chuyện dài. Trước khi đổ bê-tông, nhà thầu đã kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá lại tính an toàn hay chưa? Hệ thống giàn giáo, cốp pha đảm bảo chưa? Chỉ một yếu tố nhỏ trong chuỗi quy trình này không ổn định sẽ xuất hiện nguy cơ tai nạn”.

Đồng quan điểm với đơn vị quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương, ông Hoàng Ngọc Đan - Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới chia sẻ: “Sau khi chỉ đạo cán bộ quản lý đô thị xuống hiện trường vụ tai nạn kiểm tra, ghi nhận vụ việc được biết, khi đổ bê-tông, do chủ quan nên đơn vị thi công đã không phát hiện ra nguy cơ tai nạn. Khi khối lượng bê-tông mỗi lúc một tăng lên, gây oằn lún, biến dạng hệ thống giàn giáo, kéo theo sập khối thi công gây tai nạn cho đội ngũ công nhân. Sự cố này xảy ra thì sau 24h chính quyền thành phố mới nhận được phản ánh”.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên tại khu vực TP Đồng Hới, đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Bình xảy ra việc sập đổ công trình mà chính quyền cơ sở không báo cáo lại sự cố với cấp trên. Có thể kể đến một trường hợp tương tự, vào lúc 9h ngày 25/3/2018, hệ thống giàn giáo tại Royal Wedding Places bị oằn gãy khi đang đổ bê-tông tầng 2, kéo theo toàn bộ sàn tầng 2 bị đổ sập. Số công nhân bị ảnh hưởng trong vụ việc cũng không được công bố. Chủ đầu tư là Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành đã không lập báo cáo vụ việc gửi đến UBND phường Đồng Phú và một số đơn vị chức năng khác trong đó có Phòng Quản lý đô thị. Chỉ khi được người dân gọi điện thoại phản ánh trực tiếp với lãnh đạo thành phố thì vụ việc mới được biết tới.

Mất mát thuộc về người lao động

Xây dựng là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền kinh tế, đang có hướng phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên, đây cũng là ngành nghề xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, có tới 30% trên tổng số vụ tai nạn lao động hiện nay rơi vào lĩnh vực xây dựng. Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 58 vụ tai nạn lao động làm 58 người bị nạn; trong đó 12 người chết, 46 người bị thương.

Khối thi công đổ sập vào trưa ngày 30/3.

Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động là nhà thầu tư nhân không được huấn luyện an toàn lao động cho công nhân của mình; người sử dụng lao động không xây dựng được quy trình, biện pháp làm việc, thiết bị an toàn không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra cũng có nguyên nhân đến từ sự chủ quan của người lao động, vi phạm các quy định về an toàn, người lao động không sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ bảo vệ. Thực tế, có tới hơn 80% công nhân ngành Xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ, lao động tự do, phần nhiều chưa thật chú trọng đến khâu bảo hộ lao động, chăm chỉ đi làm lấy công mà không quan tâm đến an toàn lao động.

Theo thông tin từ ông Tưởng Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Nam Lý: “Sự cố công trình đáng tiếc đã xảy ra, chúng tôi xin chia buồn với gia đình các nạn nhân. Hiện nay, chính quyền đang tìm hiểu để biết rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. Trước hết, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, người giám sát, đơn vị thi công, nhà thầu. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, năng lực hành nghề của công nhân tham gia xây dựng. Sau khi xác định rõ mới có thể quy kết trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai”.

Như vậy, trong sự việc này, ai sẽ chịu trách nhiệm về các sự cố trên công trường xây dựng? Đây là điều mà dư luận và gia đình các nạn nhân mong chờ nhận được câu trả lời thỏa đáng.


Nhất Linh / baoxaydung.com.vn