(Xây dựng) - Nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh việc xây dựng Nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, hiện nay một số tiêu chí NTM ở các xã đang có dấu hiệu sụt giảm, khó giữ vững.
Xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức để giữ vững và gánh nặng nợ đọng XDCB.
Khó nhiều bề
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở Quảng Bình có 165 xã, phường, thị trấn tham gia. Hiện toàn tỉnh có 52 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh có 1.965 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã, giảm 2 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017, trong đó có 36 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 26,5%, giảm 16 xã; 41 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, chiếm 30%, tăng 24 xã; 39 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, giảm 11 xã; 20 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, giảm 11 xã so với cuối năm 2017.
Riêng trong năm 2018, Quảng Bình phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn NTM; tăng bình quân 1 - 1,5 tiêu chí/xã; phấn đấu xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu xây dựng NTM; triển khai xã đạt chuẩn NTM nâng cao hoặc xã NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn; công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi, nhất là các xã đã đạt chuẩn có dấu hiệu chững lại; số xã bị sụt giảm tiêu chí nhiều; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí ở huyện Minh Hóa quá cao, có đến 09/15 xã, chiếm 60,0%, cao hơn nhiều so với yêu cầu của Trung ương (dưới 25%).
Khi áp dụng Bộ tiêu chí mới thì có 37/52 xã đã đạt chuẩn bị sụt giảm tiêu chí do chưa đáp ứng Bộ tiêu chí mới. Cụ thể, 37 xã với 63 tiêu chí bị sụt giảm, trong đó: huyện Minh Hóa có 13/15 xã; huyện Bố Trạch có 8/28 xã; TP Đồng Hới có 6/6 xã; TX Ba Đồn có 4/10 xã; huyện Quảng Trạch có 3/18 xã; huyện Quảng Ninh có 3/15 xã. Nguyên nhân là do Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 bổ sung thêm một số chỉ tiêu, nội dung mới với nhiều tiêu chí đòi hỏi cao hơn trước.
Đơn cử trường hợp xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch bị sụt giảm 3 tiêu chí. Hiện tại, xã này chưa có HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chưa có mô hình liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, xã mới đạt tỷ lệ 97,5% số hộ dùng nước hợp vệ sinh; hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch mới đạt 81,1%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường mới đạt 44,7%... Hay, TP Đồng Hới cũng có tới 6 xã sụt giảm tiêu chí xây dựng NTM.
Đối với 11 xã phấn đấu hoàn thành NTM năm 2018, đến thời điểm hiện tại, số tiêu chí bình quân đạt 15,6 tiêu chí/xã. Hiện nay, xã Quảng Phương đã hoàn thành 19 tiêu chí và đang hoàn tất hồ sơ để công nhận; các xã còn lại đang tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, một số công trình có khối lượng lớn như xã Tiến Hóa, Hóa Hợp, Quảng Văn, Hồng Thủy, Gia Ninh vẫn chưa được triển khai.
Cần phải quyết tâm cao
Để hoàn thành mục tiêu Chương trình Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2020 có 80 xã (chiếm 59% số xã của tỉnh) đạt chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM); bình quân toàn tỉnh đạt trên 16,5 tiêu chí/xã; số xã dưới 10 tiêu chí chiếm dưới 25%.
Với những kết quả đạt được hiện nay, cho thấy khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn; công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi, nhất là các xã đã đạt chuẩn có dấu hiệu chững lại; số xã bị sụt giảm tiêu chí nhiều.
Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính truyền thống, đặc trưng của Quảng Bình; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, chưa chặt chẽ; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thị trường còn chậm; vẫn còn nhiều xã, thôn, bản chưa xây dựng Trung tâm, nhà Văn hóa - Thể thao; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao so với mức bình quân chung của cả nước.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ phải chú trọng phát triển vào những nội dung cốt lõi, khác biệt; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.
Các tổ chức đoàn thể tăng cường các hoạt động tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia thực hiện chương trình NTM, nhất là về ý thức tham gia bảo hiểm y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự…