Hoạt động đấu thầu là hoạt động khá phức tạp. Việc cướp hồ sơ thầu diễn ra ở rất nhiều địa phương như Hoà Bình, Lai Châu, Hà Giang, Hà Nội…gần đây nhất là sự việc diễn ra tại Quảng Bình. Các địa phương dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, khách quan nhưng thực trạng này vẫn không giảm được nhiều. Một trong những nguyên nhân sâu xa có lẽ là do môi trường chưa thực sự minh bạch.
Cướp hồ sơ thầu, chuyện không lạ
Nhiều ý kiến băn khoăn đặt dấu hỏi về năng lực của Công ty CP 471
Sự việc xảy ra tại Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới có địa chỉ tại số 34 Trần Quan Khải (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Theo đó hai gói thầu DH/W5 và DH/W8 sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) mở thầu ngày 8/3/2019 đã gây xôn xao dư luận trong cả nước những ngày qua. Đây không phải là sự việc hy hữu trong đấu thầu bởi trước đó việc cướp hồ sơ thầu đã diễn ra ở rất nhiều địa phương khác. Trước đó, tháng 11/2018, tại Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức phiên đấu giá hơn 40 lô đất. Một số người dân trên địa bàn đã mua hồ sơ và đấu giá thành công. Tuy nhiên, khi ra khỏi hội trường UBND huyện - nơi tổ chức đấu giá, họ đã bị một số đối tượng lạ mặt bám theo và ngang nhiên cướp lại hồ sơ trúng đấu giá đất ngay tại sân UBND huyện.
Tháng 11/2017, tại Hoà Bình, khi cán bộ của Tổng Công ty Xây dựng nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đang làm thủ tục bàn giao hồ sơ dự thầu, cho Ban quản lý Dự án Xây dựng và tu bổ các công trình NN & PTNT tỉnh Hòa Bình thì một nhóm người lạ mặt xông vào trụ sở, gây khó dễ và “cướp” toàn bộ hồ sơ. Tháng 12/2018, tại Lai Châu, trước thời điểm đóng/mở thầu Gói thầu số 10 Chống mối công trình thuộc Dự án Trụ sở làm việc huyện ủy, HĐND, UBND, Trung tâm Hội nghị văn hóa huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), hồ sơ dự thầu (HSDT) của Nhà thầu đã bị cướp, bị xé nát và nhúng vào 1 xô dung dịch màu tím ngay trước cửa Phòng Đấu thầu của Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản huyện Nậm Nhùn (Ban QLDA).
Vụ việc cướp hồ sơ đã xảy ra vào ngày 08/03/2019 tại Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, bên cạnh một số nhà thầu chia sẻ cảm thông với nhà thầu công ty CP 471 (đơn vị bị cướp hồ sơ thầu), một số nhà thầu lại cho rằng, xảy ra sự việc cướp hồ sơ là do các nhà thầu bất bình cho rằng, Công ty CP 471 không có đủ năng lực nhưng bằng nhiều cách đã trúng nhiều gói thầu trong thời gian vừa qua.
Năng lực 471 vẫn là ẩn số?
Tìm hiểu được biết, Công ty CP 471 có địa chỉ tại số 9, Trần Nhật Duật, TP. Vinh - tỉnh Nghệ An, với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và hơn 400 nhân viên. Từ nhiều năm nay, Công ty CP 471 là cái tên khá thân quen trong ngành giao thông và các Ban Quản lý dự án khắp cả nước đều biết, bởi nơi nào mời thầu là có mặt Công ty CP 471 và cũng đã từng trúng nhiều gói thầu. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Công ty đã trúng thầu và ký hợp đồng với tổng giá trị là 714 tỷ đồng. Có những gói thầu mà Công ty CP 471 trúng thầu có quy mô lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử Gói thầu số 3.32 Xây dựng đường chính khu vực từ đường trục chính Bắc Nam đến đường Bắc Nam 02 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm có giá trúng thầu là 452,719 tỷ đồng. Gói thầu Xây dựng đường từ Km192+000 - Km196+900 thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có giá trúng thầu là 278,634 tỷ đồng...
Tính đến ngày 11/5/2018, theo thông tin được một số chủ đầu tư công bố, Công ty CP 471 đang thực hiện cùng lúc ít nhất là 9 gói thầu như: Gói thầu số 8 Xây lắp tuyến chính đoạn từ Km5+362 đến cuối tuyến (bao gồm chi phí hạng mục chung và dự phòng) thuộc Dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; Gói thầu Thi công xây dựng đoạn Km18+750-Km23+748 thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, Gói thầu số 10 Thi công xây dựng công trình đoạn từ Km7+000 - Km10+821,29 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai (Dự án do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư, giá trúng thầu của Công ty CP 471 là 71,163 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 67,743 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 3,42 tỷ đồng. So với giá gói thầu, giá trúng thầu giảm 656 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm dưới 1%).
Với việc thi công cùng lúc nhiều gói thầu như vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Liệu nhà thầu có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu của các công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng? Thực tế, một số công trình trọng điểm có giá trị lớn đã xảy ra nhiều điểm sụt trượt với khối lượng lớn như Gói thầu số 4 thuộc Dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; chậm tiến độ tại Gói thầu Hộ lan và hàng rào thép đường cao tốc; nứt mặt bê tông nhựa tại Quốc lộ 1A - Bình Định, Quốc lộ 1A - Hà Tĩnh, Kỳ Anh...
Với doanh thu trung bình chỉ khoảng 500 tỷ/năm, lại trúng cùng lúc nhiều gói thầu lớn khiến các nhà thầu đặt nhiều dấu hỏi về năng lực nhà thầu Công ty CP 471. Công ty CP 471 có mặt ở hầu hết các dự án để mua hồ sơ thầu có mục đích để đấu thầu hay chỉ là “đi chợ thầu”?