Hiện tỉnh Bình Thuận có tới 44/56 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò vòng, lạc hậu, trong khi theo Quyết định số 1469/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án dạng này phải chấm dứt hoạt động trước năm 2018.
Tro, xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân chủ yếu đổ ra bãi chứa.
Chưa xin ý kiến đã quyết định chủ trương đầu tư
Một báo cáo tổng hợp mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, toàn tỉnh Bình Thuận có 56 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất khoảng 760 triệu viên/năm, trong đó có 12 dây chuyền sử dụng lò tuynel có công suất khoảng 330 triệu viên/năm, 44 dây chuyền sử dụng lò vòng với công nghệ lạc hậu có công suất khoảng 430 triệu viên/năm.
Tỉnh cũng chưa có báo cáo cụ thể về quy hoạch vùng nguyên liệu cho các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng tại thời điểm tháng 10/2018, một số cơ sở sản xuất gạch đất sét nung có công nghệ lạc hậu đang nằm trong các cụm công nghiệp (không thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa).
Qua kiểm tra và theo cáo cáo của UBND tỉnh, một số cơ sở DN chưa thực hiện công bố hợp quy sản phẩm theo quy định, một số cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng vẫn ghi nhãn có chữ “tuynel”.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 1 nhà máy sản xuất gạch ceramic và gạch granite của Cty CP Khai thác khoáng sản và sản xuất VLXD Trung Nguyên tại Lương Sơn, Bắc Bình, với công suất 5,5 triệu m2/năm gạch ceramic và 9 triệu m2/năm gạch granite, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định Số 1430/QĐ-UBND ngày 08/6/2018. Tuy nhiên, dự án này chưa xin ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tiêu thụ tro xỉ gặp khó nhưng thiếu vật liệu cho san lấp
Tỉnh Bình Thuận có 3 nhà máy nhiệt điện đang vận hành là Vĩnh Tân 1, 2 và 4. Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có công suất 1.240 MW, đã vận hành từ tháng 7/2018. Lượng tro xỉ thải ra thực tế hơn 1 triệu tấn/năm (theo thiết kế khi phát điện hết công suất là 1,3 triệu tấn/năm), lượng tro xỉ đang tồn đọng khoảng 0,6 triệu tấn, diện tích bãi chứa là 59ha. Mới có 2 nghìn tấn tro của nhà máy đã được sử dụng làm phụ gia sản xuất xi măng.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có công suất 1.244MW, lượng tro xỉ phát thải hàng năm là 1,3 triệu tấn, sử dụng bãi chứa chung với Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng, có diện tích 38,4ha. Tro xỉ của nhà máy phải xử lý mới phù hợp tiêu chuẩn sản xuất VLXD.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng sau khi đi vào hoạt động sẽ phát thải lượng tro, xỉ khoảng 0,6 triệu tấn/năm, dung tích bãi chứa được cấp chung cho hai nhà máy khoảng 9,3 triệu tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng tích trữ đã lấp đầy khoảng 4,5 triệu tấn, ước tính 3 năm nữa là đầy nếu không tiêu thụ tro xỉ phát thải hằng năm.
Cty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã ký hợp đồng với các DN xử lý, tiêu thụ tro, xỉ nhưng thực tế lượng tro xỉ tiêu thụ không được như cam kết, lượng tro xỉ đã xuất qua cảng tổng hợp mới được khoảng 150 nghìn tấn.
Sở dĩ tiêu thụ tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gặp khó là do khâu vận chuyển xa nên hiệu quả kinh tế không cao mặc dù các DN sản xuất gạch bê tông ở địa phương có sử dụng tro xỉ trong thành phần nhưng lượng sử dụng rất ít so với lượng phát thải. Hiện tại, TCty Phát điện 3 (chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4) đã phát hành hồ sơ tiêu thụ miễn phí, trong số 14 đơn vị nhận hồ sơ chỉ có 4 đơn vị nộp hồ sơ đề xuất.
Trong khi tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện gặp khó thì UBND tỉnh đang lấy ý kiến các Bộ, ngành về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường để có đủ nguồn vật liệu cung cấp cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam và các công trình trọng điểm.
Theo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bình Thuận cần tăng cường việc giám sát, thanh tra, kiểm tra các DN quy định pháp luật về xây dựng, đầu tư, đất đai, môi trường, khoáng sản, nhãn hiệu hàng hóa, để kịp thời hướng dẫn DN thực hiện đúng quy định.
Tỉnh Bình Thuận cũng cần có các giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN đầu tư, sản xuất VLXD trên địa bàn theo hướng đầu tư sản xuất các chủng loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, đặc biệt là tận dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất VLXD không nung và làm vật liệu san lấp.