Quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại vùng Đông Nam Bộ đi vào cuộc sống

Thứ hai, 08/07/2019, 16:19 GMT+7

Sau gần 15 năm, Bộ Xây dựng triển khai Nghị quyết 53-NQ/TW và Kết luận 27-KL/TW, công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đối với vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.


Ảnh minh họa.

Hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao

Công tác rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được thực hiện theo quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã có 8/8 tỉnh đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch chung và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội (đào tạo, y tế...) cấp vùng đã được lập, phê duyệt quy hoạch và bước đầu được đầu tư. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đến nay đạt khoảng 58,6% phù hợp với dự báo và định hướng của quy hoạch vùng.

Hình thành các vùng phát triển công nghiệp tập trung tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Toàn vùng có 121 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 41.223ha.

Cấu trúc không gian vùng phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch đã bước đầu được hình thành gồm: TP Hồ Chí Minh là hạt nhân và 05 cực đối trọng về các phía Đông Nam, Đông, Bắc, Tây Bắc và Tây Nam với các đô thị hạt nhân tương ứng là Vũng Tàu, Long Khánh, Chơn Thành, Tây Ninh và Mỹ Tho, Tân An.

Bước đầu hình thành các trục, hành lang phát triển kinh tế: Hành lang QL51, hành lang QL1A, hành lang QL13, QL14, hành lang QL22 xuyên Á, tuyến N2 và hành lang kinh tế QL1A TP Hồ Chí Minh đi TP Cần Thơ... Các chương trình nhà ở đã được triển khai và đạt kết quả khá, các dự án phát triển nhà ở đã chú ý đầu tư đồng bộ về hạ tầng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Cấu trúc chưa hình thành đúng định hướng

Tuy nhiên, cấu trúc phát triển không gian vùng chưa hình thành theo đúng định hướng trong quy hoạch được phê duyệt, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch được duyệt, các quy hoạch và đầu tư xây dựng tại khu vực nông thôn gắn với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác du lịch còn chưa được tập trung đầu tư đúng mức, dẫn đến sự phát triển thiếu cân bằng, bền vững giữa đô thị - nông thôn.

Mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng nhưng vai trò, chức năng của các đô thị đối trọng trong vùng còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Hiện tượng dịch cư tập trung chủ yếu vào TP Hồ Chí Minh đã dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đô thị. Kết cấu hạ tầng tuy có phát triển nhưng chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đang ngày càng quá tải.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước và vấn đề xử lý rác thải rắn đang là vấn đề “nóng” trong vùng. Hạ tầng thoát nước còn khá yếu kém ở khu vực nội thành, đặc biệt còn gây ra tình trạng ngập lụt thường xuyên tại các đô thị. Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mặt, có xu hướng gia tăng ở những đô thị lớn, tại khu công nghiệp, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, dọc QL51, dọc sông Thị Vải.

Mặc dù pháp luật về nhà ở đã có những quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội (NOXH), tuy nhiên việc phát triển NOXH chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,...

Bộ Xây dựng cho rằng, dẫn đến những hạn chế trên nguyên nhân do công tác triển khai các quy hoạch chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các loại quy hoạch và giữa các địa phương và toàn vùng. Nguồn ngân sách Trung ương còn chưa được cân đối phù hợp với yêu cầu và khả năng phát triển. Các chương trình phát triển đối với từng địa phương trong vùng còn có nội dung chưa phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2012. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp và đô thị còn hạn chế...

Tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp thực tiễn

Để phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn của vùng và hội nhập toàn diện với quốc tế và khu vực, rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển vùng và Luật Quy hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị trong vùng có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có bản sắc, đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng phát triển đô thị, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch.

Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho công tác lập quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung. Có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Các Bộ, ngành hỗ trợ địa phương tiếp cận nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng, cấp tỉnh.

Phối hợp với các địa phương trong vùng, tổ chức các chương trình tập huấn về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về quy hoạch xây dựng ở các địa phương để có sự gắn kết quy hoạch giữa các địa phương với nhau và nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng TP Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu mô hình quản lý và điều phối phát triển vùng theo hướng phát huy lợi thế về liên kết giữa các tỉnh trong vùng. Tập trung chỉ đạo và giải quyết những vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác quy hoạch, lập kế hoạch và triển khai các dự án cấp vùng, xúc tiến thu hút đầu tư.

Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với vị trí, vai trò của vùng trong giai đoạn mới.


Thanh Nga/baoxaydung.com.vn