Trước hiện trạng công tác quản lý đô thị đang là vấn đề gây bức xúc dư luận, lãnh đạo Chính phủ vừa yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các công trình cao tầng.
Yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về nhà cao tầng
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng các công trình cao tầng thuộc khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các công trình cao tầng, thực hiện theo đúng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội; xử lý đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo sửa đổi quyết định số 11/2016 (Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội), không được quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định của UBND TP. Hà Nội. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội và Văn phòng Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc trình, xử lý các hồ sơ đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không đẩy việc lên Thủ tướng.
Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. Nhiều quy định về tầng cao và chiều cao tối cũng được nêu rõ trong Quy chế. Trong đó, đa số hạn chế từ 27 tầng, 97m trở xuống; một số khu vực thuộc điểm nhấn đô thị sẽ có điều kiện riêng.
Hà Nội chỉ cho phép xây dựng các công trình cao tầng trong các trường hợp nêu trên. Các trường hợp khác với các quy định liên quan đó như nằm ngoài vị trí hay vượt quá quy mô cho phép sẽ do UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Cao ốc chung cư phát triển ồ ạt ở Hà Nội trong những năm qua (Ảnh: Bá Đô)
“Mảnh đất nào trống xây cao tầng hết thì Hà Nội ra sao?”
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 29/12, Thủ tướng đã đưa ra 30 nhiệm vụ yêu cầu các bộ ngành, địa phương lưu ý thực hiện trong năm tới. Trong đó, Thủ tướng lưu ý rằng, công tác quản lý đô thị đang là vấn đề gây bức xúc dư luận, vì thế, các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời.
Thủ tướng cho rằng, việc chính quyền cho phép xây dựng dày đặc các chung cư cao tầng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng trầm trọng. Thủ tướng nêu rõ: “Chung cư cao tầng mọc lên liên tục như thế là do được cấp phép, không thể chối bỏ nguyên nhân này. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý quy hoạch mà tới đây Hà Nội phải xử lý”.
Hơn nữa, điều rất lạ là sau khi tất cả các cơ sở được di dời ra khỏi nội đô, thì các mảnh đất trống đó đều trở thành những đô thị cao tầng với mật độ rất cao, nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng đã dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng về giao thông, môi trường và cấp thoát nước.
Thủ tướng đặt câu hỏi: "Trẻ con và người dân cần nhiều vườn hoa, công viên, không gian công cộng... mà cứ xây chung cư cao tầng trong nội thành thì sẽ không ai ra ngoại thành và các khu đô thị vệ tinh để định cư. Có khu vực có tới 2.800 căn hộ, mà mỗi nhà giàu lại có 2 ôtô thì người dân đi đường nào? Tôi đã đề nghị báo cáo vấn đề này vào ngày 15 nhưng đến nay chưa thấy. Mảnh đất nào trống chúng ta cấp phép xây cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao?".
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, không có một lý thuyết quy hoạch nào để xây dựng chung cư 50 tầng với mấy nghìn căn hộ tại khu trung tâm Giảng Võ (Hà Nội), "làm sao chịu được, ai cho phép, quy hoạch nào cho phép?".
Nhấn mạnh với các đại biểu, Thủ tướng nêu: "Các đồng chí phải hiểu rằng không nên vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên đi lợi ích cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì sau này ngân sách Nhà nước cũng không đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông".
Theo VnExpress