Cộng đồng ven biển vịnh Manila và cả thủ đô đang đối mặt tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm trái phép.
Khi Marry Ann San Jose chuyển tới Pariahan, ngôi làng ven biển vịnh Manila hơn 20 năm trước, bà có thể đi bộ tới nhà nguyện địa phương. Bây giờ bà phải bơi qua nếu muốn tới đó.
Thủ phạm khiến mặt đất sụt lún là hoạt động khai thác nước ngầm trái phép nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình, nhà máy và nông trại với số dân bùng nổ và nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này.
Các thị trấn ven biển và đảo nhỏ như Pariahan ở miền bắc Philippines chìm dần khiến nước lợ từ vịnh Manila đổ vào đất liền, tạo ra mối đe dọa lớn hơn việc nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
"Thị trấn trước đây rất đẹp. Trẻ con thoải mái chơi đùa ngoài phố", San Jose nói. "Bây giờ chúng tôi đi đâu cũng phải dùng thuyền".
Nhà nguyện ngập nước ở làng Pariahan. Ảnh: AFP.
Đa số dân cư đã chuyển tới vùng khác, chỉ một số ít hộ gia đình ở lại Pariahan, nơi từng có trường tiểu học, sân bóng rổ và nhà nguyện trước khi nước tràn vào. Ngày nay, chỉ còn nhà nguyện ngập nước, một cụm nhà sàn tre nơi San Jose sống cùng gia đình và một vài ngôi nhà trên mảnh đất khác.
Trẻ con ở Pariahan mất 20 phút chèo thuyền tới trường trong đất liền. Đa số cư dân ở đây sống bằng nghề đánh cá. Pariahan nằm trên hai tỉnh Pampanga và Bulacan. Kể từ năm 2003, theo vệ tinh quan sát, hai tỉnh này mỗi năm chìm xuống 4-6 cm.
"Đây thực sự là một thảm họa đang xảy ra", Narod Eco, thành viên một nhóm các nhà khoa học theo dõi sụt lún giải thích.
Liên Hợp Quốc ước tính mực nước biển toàn cầu mỗi năm tăng trung bình 3 mm. Nước vịnh tràn vào đe dọa con người và tài sản, đe dọa càng được khuyếch đại bởi thủy triều và lũ lụt do 20 cơn bão tấn công quần đảo hàng năm.
Một số khu vực đã nâng cao mặt đường để đối phó, tạo ra những cảnh tượng kỳ lạ, nơi mặt đường cao tới tay nắm cửa các tòa nhà ven đường. Ít nhất 5.000 người buộc phải rời khỏi vùng nông thôn ở khu vực ven biển phía bắc Manila trong những thập niên gần đây bởi nước vịnh tràn sâu hơn vào đất liền. Số phận của các thị trấn như Pariahan là ví dụ cho thủ đô Manila, nơi có dân số 13 triệu người và có nguy cơ gặp vấn đề tương tự.
Một số khu vực của Manila dọc theo bờ vịnh cũng đang chìm, bởi hoạt động khai thác nước ngầm quá mức. Sụt lún ở khu vực này chậm hơn so với cộng đồng ven biển phía bắc có thể do khai thác nước ít hơn hoặc cấu trúc đất khác biệt.
Chính quyền đã ban lệnh cấm đào giếng mới từ năm 2004, nhưng việc thực thi lệnh cấm cũng như đóng cửa các giếng trái phép có sẵn thuộc về Ủy ban Tài nguyên Nước quốc gia với 100 nhân viên khắp cả nước.
"Chúng tôi không đủ nguồn nhân lực", giám đốc ủy ban Sevillo David nói. "Đây là thách thức rất lớn mà tôi cho rằng chúng tôi đã cố hết sức".
Hai học sinh tiểu học đi bộ qua nước lũ tới trường hồi tháng 10/2018 ở thành phố Mabalacat, tỉnh Pampanga, bờ bắc vịnh Manila. Ảnh: AFP.
Nhu cầu nước tăng vọt khi dân số Manila tăng gần gấp đôi từ năm 1985, quy mô nền kinh tế quốc gia cũng tăng gấp 10. Sự bùng nổ tăng trưởng này tạo ra nhu cầu sử dụng nước lớn, đặc biệt trong các ngành công nông nghiệp và sản xuất ở phía bắc thủ đô.
"Sụt lún là mối đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống và văn hóa của người dân", Joseph Estadilla, phát ngôn viên liên minh bảo vệ cộng đồng ven biển vịnh Manila nói.
"Tình trạng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn trong tương lai gần", ông nhấn mạnh.
Manila và các khu vực xung quanh nằm trong số những thành phố lớn, đặc biệt ở châu Á, đang gặp đe dọa khi đất sụt lún dù nguyên nhân khác nhau.
Những thành phố như Jakarta, nơi đang sụt lút 25 cm mỗi năm, hay Bangkok và Thượng Hải có nguy cơ ngập lụt trong nhiều thập kỷ do quy hoạch kém, nhiều bão lớn và thủy triều tàn phá.
Ở Jakarta, thành phố có 10 triệu dân nằm trên ngã ba sông, một nửa dân số không được dùng nước máy, buộc họ phải đào giếng trái phép để lấy nước ngầm.
Tại Pariahan, những cư dân còn lại đang làm những gì có thể để ở lại nơi họ gọi là nhà.
"Mỗi năm chúng tôi lại nâng sàn nhà lên cao hơn. Bây giờ đầu tôi đã chạm gần đến trần", San Jose cho biết.