Nhiều sai sót, hạn chế tại dự án cầu vượt biển ở Hải Phòng

Thứ hai, 08/07/2019, 15:54 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư tại Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng).


Cận cảnh cầu vượt biển ở Hải Phòng Ảnh: Mạnh Thắng

Chậm tiến độ 4 năm

Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 8.187 tỷ đồng. Đến năm 2015, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 11.849 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án là 15,63km, trong đó phần cầu vượt biển dài 5,4km.

Dự án được xây dựng mới sẽ kết nối các khu vực đang phát triển ở phía Đông TP Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ cũng như kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vùng và tiến độ triển khai cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Theo báo cáo kiểm toán, KTNN xác định công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán nút giao Tân Vũ và các lệnh thay đổi còn sai sót về khối lượng, đơn giá và dự phòng phí làm tăng giá trị dự toán hơn 34,9 tỷ đồng. Trong đó sai khối lượng gần 4 tỷ đồng, sai đơn giá 3,6 tỷ đồng, sai khác hơn 27,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại nút giao Tân Vũ sai khối lượng tại một số hạng mục như lớp đệm cát thoát nước, đắp cát nền đường K95…

KTNN cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế, tồn tại trong tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, tiến độ của dự án phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thêm 4 năm so với dự kiến ban đầu. Nguyên nhân do công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình chậm 2 năm. Công tác lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 6 chậm 10 tháng… Ngoài ra, dự án chậm tiến độ còn do việc thi công nút giao Tân Vũ chậm. Trách nhiệm thuộc về liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tập đoàn Cienco4, Tư vấn giám sát và Ban quản lý dự án 2 (QLDA 2).

Giải ngân vốn chưa phù hợp

KTNN cũng chỉ ra trong công tác quản lý chi phí đầu tư còn thiếu sót, qua kiểm toán giảm trừ chi phí đầu tư 3,9 tỷ đồng và chưa đủ điều kiện xác nhận chi phí gần 20,2 tỷ đồng. Còn trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn và tài chính kế toán, việc phân giao kế hoạch vốn cho dự án đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu kế hoạch.

Các năm 2017, 2018, 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân giao kế hoạch vốn cho các dự án đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu kế hoạch vốn do Ban QLDA 2 lập. Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2019, tổng số vốn đăng ký phục vụ dự án là hơn 5.600 tỷ đồng nhưng tổng số vốn được phân bổ theo kế hoạch là hơn 4.100 tỷ đồng (đạt 73%) là không đảm bảo nhu cầu đăng ký. Tính đến ngày 31/3/2019, cơ cấu vốn giải ngân chưa phù hợp so với cơ cấu được phê duyệt của Bộ GTVT.

Trong khi đó, việc thực hiến kế hoạch vốn năm ngân sách còn nhiều tồn tại. Năm 2017, vốn nước ngoài không giải ngân được hết theo kế hoạch được giao (thực tế giải ngân so với kế hoạch là 2.172/2.800 tỷ đồng, đạt 77,6%). Điều này cho thấy việc lập kế hoạch vốn không sát so với nhu cầu thực tế.

Đến năm 2018, vốn nước ngoài giải ngân vượt kế hoạch được giao (11,4 tỷ đồng) do chênh lệch tỷ giá ghi thu, ghi chi so với tỷ giá khi lập kế hoạch. Cho thấy việc kiểm soát chi chưa tuân thủ quy định tại Thông tư 111/2016-Bộ Tài chính. Ngoài ra, công tác ghi thu, ghi chi Ngân sách Nhà nước còn chậm.

KTNN xác định, trách nhiệm để xảy ra những sai sót, tồn tại trên thuộc về Bộ GTVT, Ban QLDA 2, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị nhà thầu, thi công. KTNN kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 2 tổ chức xác định chỉ số giá cho công trình và thỏa thuận với Sở Xây dựng TP Hải Phòng làm căn cứ xác định giá trị điều chỉnh của gói thầu số 6. Các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm những tồn tại trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán nút giao Tân Vũ; công tác quản lý sử dụng nguồn vốn… như đã nêu.


Theo Nguyễn Hoàn/Tienphong.vn