Nhiều phần tử xấu “đột nhập” vào Ban quản trị chung cư để trục lợi

Thứ năm, 07/03/2019, 00:00 GMT+7

Nếu Ban quản trị chung cư chỉ có 1 tài khoản do cá nhân làm chủ sẽ dễ dẫn đến việc lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân. Ngoài ra, còn có người mua căn hộ nhỏ nhất rồi vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị, sau đó thực hiện hành vi trục lợi.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và lãnh đạo TPHCM về công tác quản lý, vận hành, sử dụng chung cư và những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Công tác quản lý, vận hành, sử dụng chung cư vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ

Theo HoREA, một số vướng mắc trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư và nhiều vấn đề mới phát sinh cần được xem xét giải quyết.

Cụ thể như việc vướng mắc do Ban quản trị chung cư chưa được cấp con dấu. Vướng mắc về chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư "có thể là một thành viên hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản" (Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định).

"Chính vì Thông tư nói trên mà thực tế nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định 1 người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản. Việc này có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân", báo cáo của HoREA nêu.

Cũng theo HoREA, vướng mắc về việc đóng góp kinh phí bảo trì đối với các chung cư được thực hiện trong giai đoạn Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực vì luật quy định không rõ như Luật Nhà ở 2014. Điều này dẫn đến tranh chấp do người mua nhà cho rằng họ đã nộp phí bảo trì khi ký hợp đồng mua nhà, trong khi chủ đầu tư cho rằng, họ chưa thu phí bảo trì này.

HoREA cũng cho rằng, một số vấn đề bất hợp lý đối với chủ đầu tư vẫn còn tồn đọng do chủ đầu tư không được đối xử công bằng.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản (1.b) Điều 108 Luật Nhà ở "Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại. Phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó".

Tuy nhiên, trên thực tế, trong phần diện tích chung cư mà chủ đầu tư còn giữ lại có cả những căn hộ lớn, nằm ở vị trí không đẹp, không bán được hoặc cũng có thể đó là phần thương mại, dịch vụ với giá trị thấp hơn căn hộ thông thường.

Theo HoREA, đơn vị quản lý, vận hành chung cư cần phải có quy định chứng minh năng lực tài chính vì có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường dân sự khi xảy ra các sự cố như cháy lớn, tai nạn xảy ra...

Hiện nay, khi cơ quan nhà nước, cảnh sát PCCC kiểm tra xử phạt vi phạm xây dựng đối với phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc vi phạm PCCC và ra quyết định xử phạt thì trách nhiệm nộp phạt, nguồn tiền nộp phạt chưa được xác định rõ, vì Ban quản trị chung cư chỉ quản lý quỹ bảo trì hoặc quỹ quản lý, vận hành chung cư.

Ngoài ra, tiêu chuẩn thiết kế, diện tích tối thiểu căn hộ nhà chung cư thương mại hay quy chuẩn về loại hình shophouse, officetel, serviced apartment trong khối nhà chung cư cũng còn nhiều vướng mắc.
Đã có rất nhiều vụ việc cư dân phản đối chủ đầu tư, ban quản trị trong thời gian qua.

HoREA đánh giá, thực tế còn có hiện tượng phần tử ngoài xã hội tìm cách “chui” vào Ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân. Thủ đoạn của những phần tử này là mua căn hộ nhỏ nhất rồi vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị và sau đó thực hiện hành vi trục lợi.

Khi đã trục lợi xong, những “phần tử xấu” sẽ âm thầm bán lại căn hộ mà cư dân không hay biết hoặc từ bỏ vị trí Trưởng ban quản trị sau khi đã trục lợi xong.

Theo Dân trí