Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đô thị

Thứ hai, 22/04/2019, 16:28 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, đem lại những kết quả khả quan.

Cụ thể: Bộ tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, làm cơ sở đề xuất các nội dung của Chương trình trong giai đoạn giai đoạn 2020 - 2030; rà soát, nghiên cứu, đề xuất kế hoạch cụ thể xây dựng Đề án phát triển đô thị gắn với khu kinh tế cửa khẩu và các khu vực biên giới; tập trung Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 05 năm 2021 - 2025 nhằm phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;

Triển khai hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia bao gồm: Bộ chỉ tiêu dữ liệu đô thị quốc gia, khung dữ liệu, phần mềm và toàn bộ các tài liệu, dữ liệu, số liệu theo bộ chỉ tiêu được khảo sát tại 20 đô thị thí điểm; triển khai Kế hoạch của Bộ Xây dựng thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030” ; triển khai công tác chuẩn bị dự án hỗ trợ kỹ thuật cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long;...

Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, trong 03 tháng đầu năm 2019, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát liên ngành tại 08 địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 03 đô thị loại II (Bến Tre, Hà Tĩnh và Lạng Sơn) và công nhận 01 đô thị loại IV (Thị trấn Đức Phổ, Hải Dương); đang thẩm định 14 Đề án phân loại đô thị; đang rà soát, đánh giá phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của các khu vực thành lập phường của 02 Đề án (Tuyên Quang, Bắc Ninh).

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; thực hiện trả lời hướng dẫn tổ chức, cá nhân các nội dung về đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng; hiện đang phối hợp với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục cập nhật thông tin và đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, Thông tư số 27/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP; Phối hợp triển khai, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các chương trình nhà ở trọng điểm; Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chương trình, chính sách về nhà ở.

Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai các Đề án/Chương trình: Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020; phát triển vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đẩy nhanh tiến độ chương trình khoa học trọng điểm về xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao được thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, luyện thép sử dụng chất thải sinh hoạt, phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất các loại vật liệu xây dựng...


VA / baoxaydung.com.vn