Công viên cây xanh là hạng mục không thể thiếu trong các dự án xây dựng nhà ở. Trong quyết định cấp phép phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước đối với chủ đầu tư, công viên là hạng mục bắt buộc phải có, nhằm đảm bảo mảng xanh cho người dân khi đến ở.
Tuy nhiên, rất nhiều dự án nhà ở tại TPHCM hiện nay, chủ đầu tư lại “quên” đầu tư xây dựng công viên khi đã bán hết đất nền, căn hộ; trong khi đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương lại thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm.
Lắm hệ lụy!
Khu dân cư (KDC) SaiGonRes (phường 7 quận 8) có quy mô 102 nền biệt thự. Ngoài hạng mục chính này, khi bán, chủ đầu tư còn giới thiệu KDC có hạ tầng kỹ thuật chất lượng, đường rộng 20m, công viên gần 2.000m2 nằm lọt giữa khu dân cư…
Trong viễn cảnh của người dân khi mới đến mua đất cất nhà tại đây, SaiGonRes là KDC hạng sang, đáng sống. Thế nhưng, sau nhiều năm sinh sống, người dân ai nấy đều ngán ngẩm do chủ đầu tư (Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn) không thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về hạ tầng kỹ thuật. Một trong số đó là công viên cây xanh trong KDC không được chủ đầu tư xây dựng.
Công viên trong KDC SaiGonRes hiện vẫn là khu đất hoang, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh: TUẤN VŨ
Chỉ tay về khu đất rộng hàng ngàn mét vuông toàn lau sậy, cỏ tranh um tùm ở trước nhà, ông Trương Nam Thành (cư dân KDC SaiGonRes) than thở: “Đó là công viên của KDC. Theo quy hoạch dự án, công viên bao gồm sân đánh cầu lông, nơi trẻ em vui chơi, người lớn tập thể dục… Nhưng đó là trên giấy, còn thực tế 8 năm qua, từ lúc gia đình tôi mua đất cất nhà ở đến nay, khu đất vẫn là bãi cỏ hoang. Tiện ích không có, công viên không xây, chẳng những không có nơi thể dục, giải trí, nay còn thêm nỗi lo mưa xuống, rắn trong bãi lau sậy bò ra đường rất nhiều, có hôm chui vào nhà. Bỏ gần chục tỷ đồng để mua đất cất nhà, mua không gian sống, tiện ích nhưng đổi lại phải sống như vậy, chúng tôi rất bức xúc”.
Để đòi lại quyền lợi cho mình, ông Thành và nhiều hộ dân khác nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, chính quyền địa phương, đề nghị sớm xây dựng công viên, tuy nhiên kết quả bằng không. “Lãnh đạo UBND quận 8 nói chủ đầu tư chưa bàn giao công trình nên chính quyền không đầu tư, nâng cấp. Trong khi chủ đầu tư thì bảo hết tiền, phải chờ, còn chờ bao lâu thì chẳng biết”, ông Thành nói.
Trên thực tế, việc chủ đầu tư “quên” đầu tư xây dựng công viên cây xanh, cố tình kéo dài việc bàn giao công trình cho cơ quan nhà nước quản lý vì né tránh việc xây dựng các tiện ích diễn ra rất phổ biến ở các KDC tại TPHCM. Chỉ tính riêng 6 quận huyện (quận 8, 9, 12, Bình Tân, Bình Chánh và Thủ Đức) đã có cả trăm KDC trong tình trạng như trên.
Ngay cả những dự án KDC quy mô lớn, có hàng ngàn căn hộ, nhà phố, việc xây dựng công viên cũng bị chủ đầu tư bỏ quên. Đơn cử như KDC Khang An (phường Phú Hữu, quận 9).
Dự án này có tổng diện tích gần 116.000m2, với 350 nền gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà liên kế có vườn... Một trong những tiện ích được duyệt trong dự án là công viên cây xanh rộng gần 10.000m2.
“Quy hoạch là vậy, song 10 năm qua - kể từ khi dự án hình thành, cư dân chẳng biết hình dáng công viên thế nào. Thay vào đó, khu đất quy hoạch làm công viên hiện đang bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, kéo theo nhiều hệ lụy. Đêm đến, các đối tượng nghiện ngập thường xuyên đến ẩn náu, hút chích. Đáng lo ngại hơn, mùa nắng, cỏ tranh trong khu đất bị khô, rác thải người dân khắp nơi đem đến đổ tràn lan, thường xuyên xảy ra hỏa hoạn”, bà Trần Kiều Trang lo lắng.
Còn tại phường Phước Long A (quận 9), KDC Nam Hòa hình thành từ trước năm 2010, hiện căn hộ, nhà đã kín người ở, thế nhưng gần chục năm qua, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong (CINCO) vẫn không xây nổi công viên. Điều khó hiểu là năm 2016, chủ đầu tư bàn giao công trình cho địa phương quản lý nhưng các vi phạm không bị UBND quận 9 và các ngành chức năng liên quan xử lý, yêu cầu khắc phục (!?).
Hiện tại, 2.000m2 đất công viên bị cá nhân, tổ chức lấn chiếm xây dựng quán trái phép, kinh doanh cà phê, nhà hàng, bãi xe… trông rất nhếch nhác, phản mỹ quan, trong khi người dân trong KDC không có nơi thư giãn, trẻ con không có chỗ chơi đùa.
Chế tài chưa quyết liệt, vi phạm kéo dài
Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM thừa nhận tình trạng chủ đầu tư các dự án nhà ở chậm hoặc không xây dựng công viên cây xanh sau khi bán hết căn hộ - đất nền, kéo dài việc bàn giao công trình cho cơ quan nhà nước, diễn ra phổ biến ở thành phố.
Hàng năm, đơn vị này đều phối hợp với các quận huyện kiểm tra, xử lý, tuy nhiên tiến độ khắc phục các tồn tại rất chậm do chủ đầu tư viện cớ nhiều lý do như kinh tế khó khăn, gian hạn thêm thời gian xây dựng; số lượng người dân đến ở chưa nhiều…
Công viên được quy hoạch trong KDC SaiGonRes hiện vẫn là khu đất hoang, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh: TUẤN VŨ
Quyết định 5305 ngày 27-11-2018 của UBND TPHCM đã quy định chuyển giao một số chức năng, trong đó có chức năng quản lý nhà nước đối với công viên cây xanh từ Sở GTVT sang Sở Xây dựng. Hiện Sở Xây dựng đang chủ trì để xử lý cương quyết các dự án nhà ở chủ đầu tư chậm bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý.
Liên quan đến vi phạm chủ đầu tư không xây dựng công viên cây xanh tại các KDC nhà ở theo quy hoạch được duyệt, đầu năm 2019, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các quận huyện đang phối hợp, tổng kiểm tra, phân loại để đề xuất UBND TPHCM có hướng xử lý phù hợp đối với từng trường hợp.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó phòng Quản lý đô thị quận 8, cho biết đối với hành vi không đầu tư xây dựng công viên cây xanh, kéo dài việc bàn giao công trình cho cơ quan nhà nước của chủ đầu tư các dự án nhà ở, quận không có thẩm quyền xử lý, chế tài. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, thời gian qua, mỗi năm 2 lần, quận có tổng kiểm tra, phân loại, báo cáo UBND TPHCM và các sở ngành, đồng thời đề xuất rõ hướng xử lý.
Theo đó, đối với các KDC mà chủ đầu tư cố tình vi phạm, không xây dựng các tiện ích, kéo dài việc bàn giao, kiến nghị thành phố và các sở ngành kiên quyết xử nghiêm, buộc chủ đầu tư xây dựng, hoặc truy thu tiền để đấu thầu đơn vị xây dựng. Riêng đối với trường hợp các KDC hình thành từ trước, thời gian sử dụng đã qua lâu, chủ đầu tư giải thể, quận 8 kiến nghị Sở Xây dựng đề xuất UBND TP bổ sung kinh phí để đầu tư, nâng cấp, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.
Luật sư Nguyễn Nhân Khoa, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết theo quy định, tùy vào quy mô dự án, số lượng hộ dân mà công viên cây xanh, số lượng đường giao thông, chiều ngang đường sẽ được đầu tư, xây dựng với diện tích tương ứng.
Khi dự án hoàn thành, căn hộ, đất nền bán xong, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công trình (cả khuôn viên và các tiện ích trong KDC như công viên cây xanh, giao thông…) cho chính quyền địa phương quản lý.
Thời gian, thời điểm bàn giao công trình được quy định cụ thể trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, không phải chủ đầu tư muốn bàn giao lúc nào thì bàn giao.
Tuy nhiên, tại nhiều dự án bất động sản hiện nay, chủ đầu tư đều vi phạm không xây dựng công viên, trưng dụng diện tích đất công viên để xây dựng hạng mục khác phục vụ cho lợi ích của chủ đầu tư như sân bóng, nhà hàng, quán ăn…
Trong khi đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng lại bỏ lơ, thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bàn giao công trình. Chính tồn tại này khiến chủ đầu tư vi phạm “lờn luật”, để vi phạm kéo dài. Trên thực tế, ở nhiều nơi, bức xúc này không được chính quyền giải quyết, người dân phải kiện chủ đầu tư ra tòa, kéo dài trong thời gian dài, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Luật sư Nguyễn Nhân Khoa cho rằng, để tránh việc chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”, bán căn hộ, đất nền lấy tiền mà không xây dựng công viên, tiện ích, thiết nghĩ trước khi cấp sổ đỏ, cơ quan thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về xây dựng hạng mục tiện ích trong dự án, khi chủ đầu tư chưa thực hiện xong thì cương quyết không cấp giấy chủ quyền.
Theo luật gia Trần Công Tạo, việc xử lý chủ đầu tư vi phạm, không xây dựng các tiện ích (công viên, trường học, trạm y tế…), chậm bàn giao công trình so với thời hạn trong quyết định cấp phép xây dựng công trình, dự án, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng. Như vậy, khi đến thời điểm bàn giao công trình mà chủ đầu không bàn giao, không xây dựng các tiện ích, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh thành, sở xây dựng…) sẽ xử phạt hành chính, đồng thời buộc khắc phục hành vi vi phạm.
Điều 13 Nghị định 139/2017 quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi chậm bàn giao dự án theo tiến độ từ 40 - 50 triệu đồng. Trên thực tế, mức phạt này chưa đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản, bởi lợi nhuận mang về từ việc kinh doanh bất động sản rất lớn, do đó vi phạm cứ kéo dài, phổ biến. Một nguyên nhân khác khiến chủ đầu tư chậm bàn giao công trình là do chính quyền, ngành chức năng có thẩm quyền xử phạt chưa quyết liệt, mạnh tay đối với các chủ đầu tư vi phạm, mặt khác cũng không trừ có trường hợp lãnh đạo, cán bộ của các cơ quan có thẩm quyền “đi đêm” với chủ đầu tư, cố tình làm lơ, không xử lý, để vi phạm phát sinh, tồn tại.