Nhiều công trình sai phép được phê duyệt, cấp phép theo cơ chế xin - cho từ hàng chục năm trước nên hiện không bị phá dỡ.
Nhiều công trình sai phép không bị phá dỡ do cơ chế xin - cho. Ảnh: CafeLand
Giải đáp về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vượt tầng xảy ra phổ biến trong thời gian gần đây mà hầu hết không bị tháo dỡ, tại cuộc họp báo Quý II/2017 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, một số công trình là vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước. Trong khi đó, đối với những dự án đang xây dựng vi phạm thì sẽ xử lý tức thời, nhưng chủ yếu theo hướng phạt hành chính để tránh lãnh phí vì đó là tài sản.
Thứ trưởng Xây dựng cho hay, một năm có khoảng trên 60.000 ngành giấy phép xây dựng với những công trình quy mô khác nhau từ nhỏ cho đến dự án lớn.
Về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, theo Thứ trưởng Hùng, phải đánh giá cả một quá trình, trong thời gian dài. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đặt ra từ trước năm 2000. Sau này, hệ thống văn bản xây dựng về cấp phép, xử lý ngày một hoàn thiện, việc quản lý xây dựng giấy phép có đội ngũ thanh tra xây dựng đảm trách.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, quan điểm của Bộ là xử lý tất cả công trình sai phép. Đối với các công trình không phép thì phải thực hiện thủ tục xin phép, nếu không thực hiện thì cưỡng chế phá dỡ. Còn công trình sai phép thì đối chiếu với giấy phép, nếu không thể thay đổi giấy phép thì cũng buộc phải phá dỡ.
"Với những dự án xây dựng từ 5 - 10 năm trước, nếu sai phạm, khi giải quyết vấn đề tồn tại do cấp phép trước đây thì vẫn phải xem xét yếu tố phù hợp với quy hoạch. Về cơ bản, phần xây dựng sai nếu vẫn phù hợp với quy hoạch thì yêu cầu thay đổi giấy phép", ông Hùng nhấn mạnh và cho hay, với những dự án đang xây dựng vi phạm thì phải xử lý tức thời, nhưng đó vẫn là tài sản nên để tránh lãng phí thì yêu cầu chủ đầu tư nộp phạt phần chênh lệch.
Theo ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng, Luật Xây dựng 2014 quy định, công tác quản lý giấy phép phải dựa trên quy hoạch về xây dựng. Theo đó, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và là cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng, tránh tình trạng xin-cho.
Nhưng ông Dung cho rằng, trước đây hàng chục năm, công tác phủ kín quy hoạch rất thấp nên việc cấp phép xây dựng có biểu hiện xin - cho. Vì vậy, về sau này, mặc dù nhiều dự án có sai phạm nhưng cũng không có căn cứ pháp lý để cưỡng chế phá dỡ. Chỉ trong những trường hợp, dự án vi phạm đến quản lý kiến trúc quy hoạch đã công bố thì mới có thể tiến hành phá dỡ.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay tình trạng xây dựng sai phép, cho thu lợi bất hợp pháp nếu đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới, không tranh chấp, là đất hợp pháp, người dân ở ổn định thì sẽ không bị phá dỡ mà phạt 50% giá trị xây dựng sai phép.
Theo Vnexpress