Nhật tăng cường quản lý lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng

Thứ bảy, 30/03/2019, 13:48 GMT+7

Lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản được cho đang thiếu lao động trầm trọng, làm phát sinh và gia tăng tình trạng lao động bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu tới môi trường lao động.


Công nhân lao động ở một công trường ở Nhật Bản. (Nguồn: asia.nikkei.com)

Chuẩn bị cho Luật Nhập cư sửa đổi với quy định mới về tiếp nhận lao động nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/4, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) vừa cho biết sẽ thành lập cơ quan chuyên môn và nghiệp đoàn nghề để giám sát các doanh nghiệp liên quan tới lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng, nhằm đảm bảo cho lao động nước ngoài được đối xử bình đẳng, có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản được cho đang thiếu lao động trầm trọng, làm phát sinh và gia tăng tình trạng lao động bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu tới môi trường lao động.

Trước thực trạng trên, MLIT muốn quản lý chặt chẽ lĩnh vực này khi cơ chế tiếp nhận lao động nước ngoài mới chính thức vận hành. Mục tiêu của MLIT là ổn định chế độ đãi ngộ cho lao động nước ngoài.

Dự kiến ngày 1/4, MLIT sẽ công bố thành lập “Cơ quan nhân lực kỹ năng xây dựng.” Cơ quan này có sự tham gia của khoảng 20 đoàn thể, tổ chức của Nhật Bản như Hiệp hội Ngành xây dựng toàn quốc, Hội liên hiệp Ngành xây dựng Nhật Bản.

Cơ quan giám sát của MLIT ngoài việc đảm bảo môi trường lao động, cũng có chức năng kiểm soát để lao động nước ngoài tới Nhật Bản làm việc được chuẩn bị tốt kỹ năng thích hợp, cần phải có khi nhập cảnh nước này là chuyên môn, ngôn ngữ và văn hóa.

Cơ quan của MLIT sẽ liên kết với những cơ sở giáo dục nước ngoài tổ chức đào tạo, kiểm tra lao động trước khi tới Nhật Bản. Ngoài ra, một cơ chế quản lý tập trung cả lao động nước ngoài và lao động Nhật Bản cũng được thực hiện. Theo đó, mỗi lao động được cấp một thẻ IC (thẻ định danh) nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về thành tích, kỹ năng, kinh nghiệp làm căn cứ đánh giá, phân cấp, từ đó đưa ra chế độ đãi ngộ phù hợp.

Với cơ chế do MLIT thiết lập, lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng đến Nhật Bản làm việc sẽ trải qua hai quy trình thủ tục. Đầu tiên là của MLIT, sau đó tới Bộ Tư pháp Nhật Bản - cơ quan chịu tránh nhiệm thẩm định và cấp tư cách lưu trú.

Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 40.000 lao động trong lĩnh vực xây dựng trong 5 năm tới.

Việc thiếu lao động trong lĩnh vực xây dựng, khi chưa có luật điều chỉnh và cho phép lao động nước ngoài trong lĩnh vực này đã dẫn tới tình trạng nhiều trường hợp các công ty môi giới đưa lao động vào Nhật Bản theo tư cách lưu trú du học sinh, làm giả giấy tờ để lao động bất hợp pháp tại các công trường xây dựng. Điều này là dấy lên lo ngại ảnh hưởng xấu tới việc tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản trong tương lai khi hệ thống thi hành Luật nhập cư mới chính thức vận hành./.


Theo Thành Hữu (TTXVN/Vietnam+)