Nhà siêu mỏng, siêu méo: Đến bao giờ mới xử lý triệt để?

Thứ sáu, 10/05/2019, 00:00 GMT+7

Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của người dân mà còn làm mất mỹ quan đô thị, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, để xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng trước năm 2005, tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, các địa phương đã tập trung xử lý dứt điểm được 465/597 trường hợp; đến tháng 3/2019 xử lý thêm 27 trường hợp. Đối với nhà hình thành từ 2010 - 2017, cho đến nay các quận, huyện cũng xử lý được 169/211 trường hợp.

Nhà siêu mỏng, siêu méo lại tiếp tục được xây dựng trên các tuyến đường mới mở

Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo được ví như "nấm sau mưa", bởi mỗi khi có con đường mới mở ra, thì hàng loạt ngôi nhà loại này xuất hiện, bên cạnh đó những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm.

Người đi đường không thể quên được tuyến phố Đào Tấn lúc mới mở ra, một dãy nhà siêu mỏng siêu méo xuất hiện bên cạnh những ngôi nhà bề thế ngay mặt đường. Chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy dãy nhà này mỏng tựa tờ giấy, cảm giác có một trận giông nổi lên là bay cả nhà.

Mới đây, trên đường Phạm Văn Đồng mở rộng cũng xuất hiện một số nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong nhà chỉ kê được bộ bàn ghế nhỏ và một công trình vệ sinh, ấy thế mà cũng có văn phòng môi giới nhà đất thuê để làm địa điểm giao dịch.

Tại Hà Nội, rất nhiều tuyến phố có nhà siêu mỏng, siêu méo, có thể kể đến đường Hồ Tùng Mậu, Giang Văn Minh, Xã Đàn… Đặc điểm chung của những căn nhà này là chồng lên cao tầng, diện tích nhỏ hẹp, rất khó khăn để sinh sống, đa phần chỉ làm điểm kinh doanh như bán sim điện thoại, môi giới nhà đất, bán trà đá…

Nhìn vào mặt trước thì có thể thấy ngôi nhà cũng khá đẹp và khang trang, nhưng nhìn lại ở góc nghiêng thì đúng là mỏng manh đến đáng sợ. Những chiếc cành của một cái cây nhỏ cũng đủ che khuất hết cả mặt tiền của một ngôi nhà, cho thấy nó nhỏ và mỏng đến nhường nào.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - một người dân đang sinh sống tại đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, cho biết sở dĩ ngôi nhà chị mỏng manh, méo mó như thế là vì đất còn lại có thế, muốn xây rộng hơn cũng không được. Không xây thì không có chỗ ở. Thôi thì méo mó có còn hơn không.

Tại cuộc họp HĐND TP.Hà Nội mới đây, theo báo cáo của UBND các quận, huyện, để xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng trước năm 2005, tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, các địa phương đã tập trung xử lý dứt điểm được 465/597 trường hợp; đến tháng 3/2019 xử lý thêm 27 trường hợp.

Đối với các trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ 2010 - 2017), cho đến nay các quận, huyện cũng xử lý được 169/211 trường hợp.

Bên cạnh việc chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng, năm 2018, trên địa bàn thành phố tiếp tục phát sinh 21 trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo: Bắc Từ Liêm 4, Cầu Giấy 6, Tây Hồ 9, Thanh Trì 1, Hoàng Mai 1 trường hợp.

Hiện các trường hợp phát sinh này được UBND các quận quản lý chặt chẽ, không để diễn ra hoạt động xây dựng, đồng thời lên phương án xử lý.

Trước tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ồ ạt "mọc" lên gây mất mỹ quan đô thị khi thực hiện mở đường theo quy hoạch trên địa bàn Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có Công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo quy hoạch.

Theo Sở này, hiện Thành phố đang trong giai đoạn đô thị hóa, nhiền tuyến đường được mở theo quy hoạch. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cắt xén phát sinh các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo… dẫn đến mất mỹ quan đô thị gây phản cảm.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Đối với các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng trước 2005 chưa được xử lý, UBND các quận phải xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện.Tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối các trường hợp giữ nguyên trạng chỉnh trang để từng bước xóa bỏ công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Riêng đối với 63 trường hợp phát sinh mới trên địa bàn UBND các quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai cần khẩn trương chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm thực hiện thu hồi sau khi hết thời gian hợp thửa hợp khối.


Theo Vnmedia