Tại hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam sáng 17/5, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Về việc một số chuyên gia quan ngại nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào dự án cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) nói, Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và theo quy định của tổ chức này, các quốc gia thành viên đều có một bộ quy chế mua sắm của Chính phủ (GPA). Bộ quy chế này yêu cầu tất cả các nước thành viên không được phân biệt đối xử với bất cứ quốc gia nào.
Theo ông Huy, vấn đề dư luận quan tâm thực chất là chất lượng và tiến độ của dự án. Vì thế, cơ quan Nhà nước cần đưa ra một bộ hồ sơ mời thầu cũng như hợp đồng quản lý chặt chẽ về tiến độ, chất lượng để đảm bảo nhà đầu tư cung cấp được dịch vụ tốt nhất, theo đúng yêu cầu.
"Đây là điều quan trọng hơn việc xem xét nhà đầu tư đến từ quốc gia nào", ông nói.
Tại hội nghị, một số nhà đầu tư trong nước bày tỏ lo ngại về việc cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông, cho hay, các nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được tiêu chí về tài chính, song khó đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm. Ví dụ, với quy định "nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét", thì nhiều doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được, vì chưa làm dự án nào lớn như vậy.
"Với quy định như vậy thì rõ ràng nhà đầu tư trong nước không có lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài", ông Lợi nói.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ nối với các đoạn cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Đắc Thành. |
Theo ông Ngọ Trường Nam, đại diện Tập đoàn Đèo Cả, các nhà đầu tư trong nước thường tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 20%. Trong khi vốn tín dụng hạ tầng giao thông được đánh giá là tiềm ẩn rủi ro nên ngân hàng đang siết chặt việc cho vay.
Ngoài ra, hồ sơ dự tuyển hiện áp dụng mức lãi suất khoảng 7%, còn lãi suất trên thị trường từ 11-12%, đây là mức chênh lệch lớn mà Bộ Giao thông Vận tải chưa có hướng xử lý; nhà đầu tư trong nước rất khó chấp nhận mức lãi suất này.
"Các bộ ngành liên quan cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tạo nguồn tài chính cho nhà đầu tư với lãi suất phù hợp", ông Nam đề xuất.
Một số nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan ngại về các rủi ro khi thực hiện dự án PPP, đơn cử như giải phóng mặt bằng. Họ cũng mong muốn được bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 3 về khả năng chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu.
TS Kong Shin Pyo, Trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn Huyndai, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh nhiều quy định để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hạ tầng giao thông. Ông mong muốn Chính phủ tiếp tục bổ sung chính sách liên quan đến vấn đề bảo lãnh để chia sẻ với nhà đầu tư.
8 dự án cao tốc đang được kêu gọi đầu tư là Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.
Các dự án này đã được bàn giao mốc mặt bằng cho địa phương. Chính phủ bố trí khoảng 15.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư và đề ra kế hoạch phấn đấu hoàn thành các dự án vào năm 2024.