Nguy cơ mất trắng tiền từ dự án Vinaland Tower

Thứ hai, 12/12/2016, 10:27 GMT+7

Năm 2009, CTCP Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland), chủ đầu tư dự án Vinaland Tower đã phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở, với mục tiêu huy động vốn. Hàng tỷ đồng từ khách hàng đã được đơn vị này thu về, tuy nhiên dự án lại không triển khai. Mới đây, Vinaland lên kế hoạch bán dự án này và quyền lợi của khách hàng chưa biết sẽ ra sao.

nguy-co-mat-trang-tien-tu-du-an-vinaland-tower

Sập bẫy huy động vốn từ Vinaland
Vinaland Tower, tọa lạc trên đường Nguyễn Lương Bằng (P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM), được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.852 m2, cao 26 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 35.829 m2, gồm 237 căn hộ. Năm 2009, dự án này được Vinaland giới thiệu ra thị trường bằng cách cho phát hành “chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở, mỗi chứng chỉ quỹ có giá từ 5-10 triệu đồng”. Chứng chỉ này được xem như một loại giấy chứng nhận chủ đầu tư đã vay tiền của người mua để xây dự án và có trả lãi.

Hình thức chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở là một mô hình để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà khi vừa có chỗ gửi tiết kiệm lấy lãi, vừa giành được quyền mua nhà trong dự án của công ty phát hành chứng chỉ. Với dự án Vinaland Tower, khách hàng mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ có quyền mua căn hộ tại dự án sau 60 tháng kể từ ngày mua chứng chỉ. Theo hợp đồng, nếu Vinaland không giữ đúng cam kết sẽ chịu phạt 200% trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Anh T., khách hàng đã mua chứng chỉ của Vinaland, cho biết: “Bắt đầu ký hợp đồng cho Vinaland vay tiền từ tháng 1/2009, mỗi tháng phải đóng cho Vinaland số tiền 5 triệu đồng. Sau khi đóng hơn 10 đợt với số tiền hơn 50 triệu đồng, do thấy dự án không xây dựng nên tôi dừng không đóng nữa”.

Tương tự nhiều khách hàng cho biết, theo cam kết với Vinaland trong trường hợp sau 60 tháng kể từ ngày khách hàng cho vay công ty vẫn chưa xây nhà, khách hàng có quyền yêu cầu công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, khi đến Vinaland đòi tiền thì bị từ chối và tiền gốc họ cũng chưa nhận được.

nguy-co-mat-trang-tien-tu-du-an-vinaland-tower_1
Khách hàng có nguy cơ mất tiền vì Vinaland quá bê bối.

Nguy cơ “tiền mất tật mang”

Gần đây, Vinaland đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thảo luận và biểu quyết các nội dung như phát hành cổ phiếu riêng lẻ; chuyển nhượng dự án Vinaland Tower (140 tỷ đồng); chuyển nhượng dự án chợ Phước Long (250 tỷ đồng) và bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) cho nhiệm kỳ 2012-2017.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng 2 dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long đã không được thông qua. Nguyên nhân 2 nội dung này không được thông qua là tỷ lệ biểu quyết chưa đạt, trong đó đáng chú ý có ông Trần Minh Hoàng, cổ đông sáng lập, người nắm số cổ phần lớn tại Vinaland và một số cổ đông khác không đồng tình vì cho rằng, có quá nhiều điều mập mờ xung qua những nội dung chuyển nhượng.

Ông Trần Minh Hoàng từ trước tới nay được biết tới là người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT của Vinaland. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, các thành viên khác trong HĐQT của Vinaland đã tổ chức một cuộc họp HĐQT (không có mặt ông Trần Minh Hoàng) để đưa ra quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Vinaland đối với ông Hoàng.

Ông Hoàng cho biết quyết định này hoàn toàn bất hợp pháp và hiện ông đã có đơn gửi TAND TP.HCM khởi kiện hành chính về việc thay đổi con dấu trái pháp luật. Đồng thời, ông cũng có đơn khởi kiện đến TAND Q.7 yêu cầu bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp và các cá nhân tại Vinaland.

Đấu đá nội bộ, tranh chấp quyền lợi và mới đây còn lên kế hoạch bán 2 dự án trong đó có Vinaland Tower nhưng không hề đả động đến quyền lợi của các khách hàng mua chứng chỉ cho thấy nguy cơ “tiền mất tật mang” là rất dễ xảy ra.

Theo Vũ Sơn | Người Tiêu Dùng