Nguy cơ mất nhà, đất sau hơn 20 năm sử dụng

Thứ hai, 09/10/2017, 10:28 GMT+7

Hỏi: Năm 1990, cậu tôi là ông Nguyễn Sức và vợ ông là bà Lý Thị Cưu có cho gia đình tôi 1.250m2 đất ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Vì là người thân nên việc cho đất này không làm giấy tờ, song đã được nhiều người dân, làng xóm biết. Sau đó, vợ chồng tôi đã làm nhà ở và thu hoạch hoa lợi trên mảnh đất nói trên.

Trong những năm qua, gia đình tôi đã sinh sống ổn định trên mảnh đất này, đồng thời cũng đã kê khai đăng ký lập sổ bộ thuế và đóng thuế đất đầy đủ hàng năm. Nhưng sau khi cậu tôi qua đời năm 1996, vợ cậu tôi đã âm mưu lấy lại đất. Năm 2003, bà đã được cấp sổ đỏ diện tích 1.250m2 đất nói trên, sau đó đã khởi kiện vợ chồng tôi để đòi lại đất. Tháng 8/2005, Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân xét xử sơ thẩm đã tuyên buộc gia đình tôi phải tháo dỡ, di dời nhà và trả lại đất cho bà Cưu. Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm đã y án sơ thẩm. Như vậy, gia đình tôi đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất và thành quả qua hơn 20 năm gây dựng. Vậy xin hỏi, hai cấp tòa án xét xử như vậy là đúng hay sai? Gia đình tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?

nguy-co-mat-nha-dat-sau-hon-20-nam-su-dung
Cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Trả lời:

Khoản 3, Điều 50 Luật Đất đai 2003 quy định rõ: Cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trực tiếp sản xuất nông nghiệp và được UBND xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Theo đơn trình bày của vợ chồng ông cùng tài liệu kèm theo và theo quy định pháp luật vừa trích dẫn thì diện tích 1.250m2 đất trên phải được cấp sổ đỏ cho gia đình ông. Vì mảnh đất này gia đình ông đã sử dụng hơn 20 năm qua, có đăng ký và đóng thuế đất đầy đủ. Như vậy, việc UBND huyện Hàm Tân cấp sổ đỏ diện tích 1.250m2 trên cho bà Lý Thị Cưu vào năm 2003 là sai luật, bởi bà Cưu đã 13 năm không trực tiếp sử dụng mảnh đất này, cũng như không đóng thuế đất hàng năm mà mảnh đất do người khác quản lý và sử dụng.

Vụ việc này do Tòa án thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền. Song, hai cấp tòa án của huyện Hàm Tân và tỉnh Bình Thuận đã có sai sót và vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 85 về “Thu thập chứng cứ” và Điều 96 về “Đánh gía chứng cứ”). Hai cấp tòa án đã đánh giá chứng cứ chưa khách quan, đầy đủ, toàn diện và chính xác khi đưa ra phán quyết. Do đó, ông cần làm gấp đơn khiếu nại (trong thời hạn luật định) gửi lên TAND Tối cao để yêu cầu xem xét lại vụ án theo trình tự  giám đốc thẩm.

Luật gia Nguyễn Văn Khôi
Theo Sài Gòn đầu tư tài chính