Nếu lãi suất vốn vay dự án PPP không được điều chỉnh, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể không hoàn thành đúng tiến độ...
“Nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và hợp đồng BOT đã ký, nhà đầu tư sẽ không thu hồi được vốn. Trong trường hợp này, dự án có thể phải dừng và không nhà đầu tư nào mong muốn kịch bản trên xảy ra”. Ngày 11-12, đại diện Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư dự án) trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Lãi suất vốn vay: Khó khăn lớn nhất
Đại diện nhà đầu tư nói thêm, trong trường hợp phải dừng dự án thì cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành các bước: Điều chỉnh dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác và như vậy sẽ không đảm bảo hoàn thành dự án vào năm 2020 như dự kiến. ngoài ra, việc dừng dự án khi đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực này.
Trước tình hình trên, mới đây Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng xin tháo gỡ khó khăn của dự án, trong đó khó khăn lớn nhất là lãi suất cho vay. Theo quy định của Bộ Tài chính (tại Thông tư 75/2017 của Bộ Tài chính), lãi suất vốn vay dự án PPP không quá 1,5 lần mức bình quân lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ, tức khoảng 7,72%/năm. Tuy nhiên, thực tế lãi suất trên thị trường cao hơn nhiều, ở mức 10,5%-11%. Như vậy, ở thời điểm hiện tại có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất thực tế đi vay và lãi suất tính toán theo quy định pháp luật khoảng 3%-4%/năm. Do đó nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để họ không phải bù lãi suất quá lớn (4%) khiến công trình không có khả năng thu hồi vốn, thậm chí làm nhà đầu tư thua lỗ rất lớn.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án.
Vướng mắc tiếp theo là về nguồn cung ứng vật liệu cát. Từ năm 2017, các địa phương thắt chặt quản lý khai thác cát nên dẫn đến khan hiếm vật liệu và tăng giá thành. Bộ GTVT đã có các văn bản gửi các địa phương trong khu vực đề nghị hỗ trợ tăng nguồn cung cát cho dự án nhưng hiện nay nguồn cung vẫn chưa đảm bảo yêu cầu lớn của dự án. Cụ thể, dự án cần khoảng 500.000 m3 cát/tháng để san lấp, đắp nền.
Do những khó khăn trên, trong thời gian này việc triển khai thi công trên công trường dự án đang diễn ra cầm chừng.
Trong thời gian này, việc triển khai thi công trên công trường dự án đang diễn ra cầm chừng. Ảnh: ĐÔNG HÀ
|
Dự án chậm, ai thiệt?
Tháng 5-2018, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đảm bảo đến năm 2020 phải thông xe toàn tuyến. Tại buổi làm việc, thứ trưởng Nhật cho hay Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo, đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ vướng mắc về lãi suất vốn vay. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin dự kiến đến cuối tháng 5-2018, nhà đầu tư sẽ ký kết với các ngân hàng về vốn tín dụng để thực hiện công trình. Sau khi đã thu xếp được vốn, các nhà đầu tư sẽ khẩn trương thực hiện quyết liệt dự án này.
Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng việc tháo gỡ khó khăn cho dự án dường như tiến triển rất chậm. Dự án chậm một ngày không chỉ nhà đầu tư thua thiệt vì lãi vay mà chính những người dân sống trong khu vực dự án bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc sống, mưu sinh bị đảo lộn.