Giải ngân ì ạch, dự án giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành đang gặp không ít khó khăn và có nguy cơ đội vốn.
Tổng số vốn đã giao theo kế hoạch năm 2018 và năm 2019 cho dự án giải phóng mặt bằng là 11.490 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8/2019 chỉ mới giải ngân được 233,251 tỷ đồng.
Và dự kiến đến cuối năm 2019, giải ngân được khoảng 1.768,5 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch.
Đó là những con số Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Báo cáo này vừa được Ủy ban Kinh tế gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo nghị quyết của Quốc hội thì sân bay Long Thành bao gồm 2 dự án thành phần: dự án đầu tư xây dựng sân bay do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản và dự án giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư.
Về dự án đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 1, hiện Quốc hội đang xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi, nếu được thông qua thông qua tại kỳ họp này, dự án sẽ khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.
Nhưng, dự án giải phóng mặt bằng đang gặp không ít khó khăn.
Với tổng mức đầu tư 22.856 tỷ, quy mô của dự án là thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 ha để xây dựng sân bay Long Thành và 364,21 ha để xây dựng 2 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.
Tại báo cáo, Chính phủ nêu khó khăn, đối với công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định cấm chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa, hệ thống hạ tầng trong vùng quy hoạch.
Tuy nhiên, do nhu cầu cấp bách trong cuộc sống nên các hộ dân đã thực hiện chuyển nhượng bằng giấy viết tay, phân chia thừa kế cho các con, dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất.
Cụ thể, một số trường hợp thay đổi đối tượng thu hồi đất do chuyển nhượng, thừa kế nên phải điều chỉnh thông báo thu hồi đất. Một số hộ dân không chỉ được ranh đất, không đồng ý với hồ sơ kỹ thuật thửa đất do giảm diện tích. Khó khăn nữa là đã xuất hiện tình trạng người dân tự chia tách, lập thành nhiều hồ sơ để cho tặng, chuyển nhượng bằng giấy viết tay.
Do vậy, UBND huyện Long Thành gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ sử dụng đất, kéo dài thời gian do áp dụng quy trình kiểm kê vắng chủ và xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian.
Chính phủ đánh giá, công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, công tác đầu tư xây dựng khu tái định cư còn chậm so với tiến độ dự kiến, đặc biệt là thẩm định, phê duyệt dự án thành phần có cấu phần xây dựng dẫn đến giải ngân vốn rất thấp, đến cuối năm 2019 dự kiến mới đạt 15,4% kế hoạch, như đã nói ở trên.
Tiến độ ì ạch của dự án trên, theo Ủy ban Kinh tế, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khởi công cũng như hoàn thành sân bay Long Thành.
Ngoài ra, báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy, tỉnh dự kiến áp giá theo bảng giá mới vào năm 2020 để thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ cho dự án. Và việc áp dụng bảng giá đất mới có thể làm tăng vốn đầu tư của dự án này.
Cơ quan thẩm tra cũng nói rõ, trên cơ sở tờ trình ngày 29/5/2017 của Chính phủ, Quốc hội đã chấp thuận cho tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần với mục tiêu bảo đảm tiến độ dự án và tiết kiệm chi phí. Theo phương án của UBND tỉnh Đồng Nai thời điểm đó, việc giải phóng mặt bằng phần diện tích phục vụ bay (khoảng 2.750 ha) và xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, khu nghĩa trang thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019, nay địa phương đề nghị áp dụng thống nhất bảng giá đất mới năm 2020.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phải làm rõ lý do chậm trễ dẫn đến việc áp dụng bảng giá đất mới và việc tác động tới tổng mức đầu tư dự án như thế nào.
DiaOcOnline.vn – Theo Bizlive