Người Việt định cư ở nước ngoài có được mua đất tại Việt Nam?

Thứ tư, 04/10/2017, 09:22 GMT+7

Hỏi: Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Tôi lập gia đình với người nước ngoài nhưng vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam và tên tôi vẫn nằm trong sổ hộ khẩu của gia đình tại Việt Nam. Hiện tôi muốn mua 1 lô đất thổ cư, đứng tên một mình tôi để sau này có thể xây nhà ở hoặc kinh doanh. Luật sư cho hỏi tôi có quyền mua và đứng tên quyền sở hữu lô đất đó không? Nếu được thì cần hồ sơ, thủ tục gì? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.

nguoi-viet-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-co-duoc-mua-dat-tai-viet-nam-

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An trả lời bạn như sau:

Thứ nhất, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được mua và đứng tên quyền sử dụng đất không?

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quốc tịch 2008. Theo quy định trên bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

Theo Luật nhà ở năm 2014  có quy định tại khoản 2 có quy định đối tượng được sở hữu nhà ở tại  Việt nam  : “2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” và hình thức  có nhà ở hợp pháp  theo quy định tại điểm b khoản  2  điều 8 Luật Nhà ở năm 2014:

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013 có nêu:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Như vậy, để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải được được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam, cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên và có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam thì được nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam theo quy đinh tại Điều 169 Luật đất đai 2013. Khi đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp:

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có chức năng ngoại giao được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước cho thuê đất;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung;

Từ các quy định trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên việc nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi thuộc 1 trong các trường hợp nêu trên với điều kiện người đó vẫn mang quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai: Thủ tục mua nhà ở thương mại

Nếu bạn đáp ứng quy định về mua nhà ở thương mại thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được quy định tại Điều 33 Thông tư 19/2016/TT-BXD, cụ thể như sau:

Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng sẽ thống nhất và lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở với các nội dung được quy định tại Điều 34 Thông tư 19/2016/TT-BXD

Về cấp giấy chứng nhận. Bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở cuối cùng được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai. Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, ngoài các Giấy tờ theo quy định của pháp luật về đất đai, bên đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải nộp thêm cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận  các giấy tờ sau:

- Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã kí với chủ đầu tư, trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó.

- Bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng cuối cùng đã có xác nhận của chủ đầu tư.

Công ty luật TNHH Đức An
Theo Cafeland